CTCP Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đầu tư thêm 26.000 tỉ đồng cho giai đoạn mở rộng dự án Dung Quất với mục tiêu sản xuất 6 triệu tấn thép/năm.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất với công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng.
Hòa Phát dự kiến đầu tư thêm 26.000 tỉ đồng để nâng công suất nhà máy thép Dung Quất lên 6 triệu tấn/năm
Theo đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào vận hành vào quý 1/2020; giai đoạn 2 đã xây dựng hoàn thành, vận hành thử nghiệm từ quý 3/2020. Hiện nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục nghiệm thu hoàn thành để đưa vào vận hành chính thức. Đồng thời, đưa vào hoạt động 11/11 cầu cảng chuyên dùng.
Tại cuộc họp cho ý kiến việc điều chỉnh nâng công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất ngày 22/3, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất kế hoạch điều chỉnh nâng công suất dự án Dung Quất từ 4 lên 6 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án tăng từ 60.000 tỉ đồng lên khoảng 86.000 tỉ đồng.
Lý do điều chỉnh là hiện nay nhu cầu thép thị trường ngày càng tăng cao. Bộ Công thương cũng cho rằng, tự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia.
Việc điều chỉnh nâng công suất dự án không làm thay đổi công nghệ đang sử dụng và không tăng diện tích đất, chỉ bố trí lắp đặt thêm một số hạng mục công trình, trang thiết bị trên quỹ đất đã được cấp.
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, về tiến độ thực hiện đối với phần tăng công suất thêm 2 triệu tấn sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý trong quý 4/2023. Xây dựng, lắp đặt thiết bị và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành từ quý 1/2024
Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến góp ý của các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thống nhất điều chỉnh nâng công suất dự án này từ 4 triệu tấn/năm lên 6 triệu tấn/năm. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành thủ tục liên quan để đưa dự án đi vào hoạt động theo quy định.
Như vậy, sau khi điều chỉnh công suất dự án Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm thì tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 là 11,6 triệu tấn/năm.
Trước áp lực từ dự án Dung Quất của Hòa Phát, các doanh nghiệp thép khác ở Việt Nam đang có những động thái nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.
Thời gian gần đây, một loạt các dự án thép quy mô hàng nghìn tỉ đồng vừa được chấp thuận đầu tư tại các tỉnh miền Trung. Sau Quảng Trị, Bình Định, các doanh nghiệp tiếp tục đổ vốn để xây nhà máy thép tại Nghệ An và mới đây là Thanh Hóa.