Hoa Kỳ “tố” 8 DNNN của Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu?

Tiếp nối vụ việc Hoa Kỳ khai báo 8 DNNN của Việt Nam với WTO, Trí thức trẻ có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận, chuyên gia kinh tế về tác động của vụ việc cũng như giải pháp của Việt Nam.

Thưa PGS, sự việc Hoa Kỳ “tố” 8 DNNN của Việt Nam với WTO sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt?

Việc 8 DNNN của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này bởi cả 8 DNNN này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu Việt Nam không đưa ra được các chứng cứ có tính thuyết phục để bác bỏ cáo buộc từ phía Hoa Kỳ thì rất có thể việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm sút. Và sau đó, các nước phát triển có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của 8 DNNN trên sẽ giảm sút, thậm chí các doanh nghiệp khác ngoài 8 DNNN bị cáo buộc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng có thể gặp khó khăn.

Vậy theo ông, cần có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Để đối phó với tình hình trên, theo tôi cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước cần phải hành động.

Về phía Chính phủ, Chính phủ cần có văn bản giải trình gửi cho WTO và phía Hoa Kỳ về việc Việt Nam đã đạt được thỏa thuận khi gia nhập WTO là vẫn duy trì đặc quyền (độc quyền) kinh doanh xuất, nhập khẩu với các chủ thể đã xác định trong các lĩnh vực. Ví dụ, dầu thô thì có PetroVietNam được độc quyền xuất khẩu, về xăng dầu được phép độc quyền nhập khẩu bao gồm Petrolimex, Petec, Petechim, Saigon Petro, Petro Mekong, Vinapco… Như vậy, việc cáo buộc của phía Hoa Kỳ với các DNNN kinh doanh xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực này là không có căn cứ bởi Việt Nam đã thỏa thuận với WTO rồi.

Thứ hai, Chính phủ cần giải trình cho WTO biết rằng tất cả các DNNN bị Hoa Kỳ cáo buộc đều đã chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường rồi. Cuối cùng, Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa nhanh hơn nữa các doanh nghiệp mà phía Hoa Kỳ đã cáo buộc.

Về phía DNNN, các tập đoàn hay tổng công ty này cần tích cực, chủ động đẩy nhanh cổ phần hóa và đổi mới quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường chứ không nên dựa vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ.

Theo Reuters, hồ sơ đệ trình phía Mỹ gửi cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/01 cho thấy Hoa Kỳ đã thông báo cho WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo Hoa Kỳ, các DNNN này cần được đăng ký là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy tắc thương mại toàn cầu để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của WTO.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), công ty con là Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco/SKYPEC) là các doanh nghiệp lẽ ra phải khai báo là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy định của WTO. Danh sách này cũng bao gồm Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Hoa Kỳ “tố” PVN, PV Oil, Petrolimex và 5 doanh nghiệp Nhà nước khác với WTO nhằm mục đích gì?

Bài viết mới