Hiệp hội vàng Việt Nam: Không ở đâu NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng

Theo nội dung Dự thảo sửa đổi, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản.

Về độc quyền sản xuất vàng miếng, Hiệp hội cho rằngtrên thế giới không có ngân hàng trung ương nào sản xuất vàng miếng, chức năng của các ngân hàng trung ương trên thế giới không trực tiếp kinh doanh mà chỉ là quản lý, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do vậy quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế, đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường.

Hiệp hội cũng kiến nghị, nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng nhằm huy động nguồn lực vàng trong dân và tăng thu ngoại tệ ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng.

Bởi trên thực tế khi giá vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế từ 500 nghìn/lượng trở lên thì đã xảy ra tình trạng xuất lậu vàng miếng SJC qua biên giới, khiến Nhà nước bị thất thu ngoại tệ và thuế.

Đồng thời, đề nghị NHNN xem xét trình Chính phủ quy định điều kiện hợp lý để sàng lọc những doanh nghiệp thực sự đủ điều kiện để nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, cạnh tranh với vàng nhập khẩu, nhập lậu.

“Các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng không thể mua vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, càng không thể dùng vàng miếng chuyển đổi thành vàng trang sức nên không cạnh tranh được về giá. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất các mặt hàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp kinh doanh vàng gần như bị đình trệ suốt những năm qua, không bù đắp nổi chi phí đầu tư xưởng, máy móc thiết bị, đồng thời không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, nhập lậu”, Hiệp hội Kinh doanh vàng nêu lý do.

Còn liên quan đến đề xuất NHNN được độc quyền về kinh doanh vàng tài khoản, Hiệp hội cho rằng: Nếu Nhà nước độc quyền kinh doanh trên tài khoản thì NHNN sẽ giao dịch với đối tượng nào, là các tổ chức quốc tế hay tổ chức trong nước?

Vì vậy Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị cần làm rõ nội dung trong Dự thảo để đảm bảo khả năng thực thi chính sách được thuận lợi và phù hợp với Thông lệ Quốc tế.

Về quy định “NHNN độc quyền huy động vàng từ tổ chức cá nhân”, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, quy định này đang được hiểu là doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân cũng là hình thức huy động vàng.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc huy động vàng với việc doanh nghiệp vay mượn vàng.

Doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân là quan hệ dân sự mà Luật doanh nghiệp và Luật Dân sự cho phép,cũng như phù hợp với tinh thần Nghị quyết 35- NQ-CP ngày 18/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Nên việc vay vàng của doanh nghiệp từ tổ chức và cá nhân để làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức là phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Việc doanh nghiệp vay mượn vàng của dân chỉ là một công đoạn hỗ trợ vốn bằng nguyên liệu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể coi đây là hoạt động kinh doanh theo Luật doanh nghiệp.

Hơn nữa, doanh nghiệp vay vàng của dân, nhưng vẫn trả lãi mặc dầu rất thấp và không cho vay lại nên đây không phải là hoạt động giữ hộ vàng hay huy động vàng.

Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN cần tách bạch rất rõ 02 khái niệm: Huy động vàng của Nhà nước để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế và vay vàng của doanh nghiệp để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

“Nếu không tách bạch mà vẫn để khái niệm như tinh thần trong Dự thảo thì vô hình trung làm cho doanh nghiệp vô cùng khó khăn và cản trở việc phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ”, Hiệp hội cho hay.

Trong dự thảo mới nhất, NHNN lo ngại, với hoạt động vay vàng như trước đây đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng “vàng hóa”. Nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.

Tuy nhiên, Hiệp hội Kinh doanh vàng cho hay, trong những năm qua, số lượng vàng vay của các doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ là khá nhỏ chỉ ở mức dưới 20.000 lượng (tương đương 750 kg), nếu so với thời điểm đỉnh cao các Ngân hàng thương mại huy động trước đây lên đến 35 tấn vàng.

Trong khi đó, quy mô thị trường vàng Việt Nam hiện khoảng 350-400 tấn, nên khi doanh nghiệp có nhu cầu mua vàng trên thị trường để trả cho người cho vay (750 kg ~ 0,2% so với quy mô của thị trường) thì sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì về thanh khoản và hoàn toàn nằm trong năng lực và tầm kiểm soát của các doanh nghiệp.

Trong văn bản góp ý, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng cho rằng, việc cấp Giấy phép đi kèm với quy định cấp phép cho các điểm kinh doanh vàng miếng sinh ra cơ chế xin – cho, giấy phép con không cần thiết.

Trên thực tế, Nghị định 24 không hạn chế số lượng tối đa địa điểm kinh doanh vàng miếng của doanh nghiệp, nhưng lại phải xin phép NHNN mới được bổ sung các địa điểm kinh doanh vàng miếng là không phù hợp.

Trong 05 năm vừa qua cho thấy, điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng đã hạn chế, nói cách khác là loại bỏ hầu hết doanh nghiệp vàng ra khỏi thị trường vàng miếng.

Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN quy định doanh nghiệp được phép mua bán vàng miếng có trách nhiệm thông báo tới NHNN khi thay đổi hoặc mở thêm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.

“Điều này hoàn toàn phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và tạo sự chủ động cho doanh nghiệp”, Hiệp hội Kinh doanh vàng cho hay.

Sửa quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Sửa rồi liệu có sửa nữa?

Bài viết mới