Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, trong quá trình thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại quyết định số 24 của Bộ GTVT, đã bộc lộ sự bất cập về mặt chính sách giữa hai loại hình taxi và hợp đồng điện tử. Bởi, quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ GTVT dường như đang tạo một sân chơi riêng cho loại hình đang thí điểm. Trong đó, nòng cốt và chủ yếu là hai đơn vị nước ngoài là Grab và Uber.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TPHCM, việc thí điểm loại hình này thả lỏng, không hạn chế số lượng. Vì vậy chỉ sau 2 năm cả nước đã có trên 50.000 xe được Grab và Uber quy nạp vào mạng lưới và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ Bắc vào Nam trở thành vệ tinh, thuộc cấp của Grab và Uber.
Điều đáng nói là mối quan hệ giữa chủ xe, lái xe với doanh nghiệp, HTX chỉ là hình thức, còn mối quan hệ cơ bản được xác lập là sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp từ Grab và Uber đến các chủ xe và lái xe của Việt Nam…
Điều khác biệt là hầu hết xe chạy cho Grab và Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, … Từ đó, dễ dàng “tàng hình” để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng khi muốn kiểm tra.
Về vấn đề thuế, theo Hiệp hội Taxi TPHCM, trong 3 năm số thuế mà Grab và Uber nộp chưa bằng một doanh nghiệp taxi có số đầu xe chưa bằng 1/9 của Grab và Uber.
Với những bất cập trên, Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng đã đẩy hàng nhiều hãng taxi chính thống đang lụi tàn, nguy cơ phá sản cao. Trong khi, hầu hết các hãng taxi này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ.