Dĩ nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Nhưng đây là một vấn đề rất thú vị nếu xét dưới góc độ logic xã hội và văn hóa. Vào thập niên 1980, Nhật Bản đang ở đỉnh cao của thời kỳ Kinh tế Bong bóng nổi tiếng, một thời kỳ bùng nổ đầu tư bất thường. Vì thế, đời sống hàng ngày cũng rất bận rộn.
Lịch biểu của ai cũng chật cứng những cuộc hẹn làm việc và giải trí, vì thế họ có rất ít thời gian để ngủ. Lối sống ở thời này có thể tóm gọn lại trong một khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng khắp thời đó, ca ngợi tác dụng của một loại nước uống tăng lực: “Bạn có thể ‘chiến’ suốt 24 giờ không? Hỡi các doanh nhân Nhật Bản!”
Người Nhật phàn nàn: “Chúng tôi say mê làm việc quá mức!”
Nhưng trong lời than phiền đó, ta có thể cảm nhận được sự tự hào về đức tính cần cù chăm chỉ của mình, và có lẽ đây là đức tính ưu việt hơn so với phần còn lại của thế giới. Vào thời đó, mỗi ngày đi làm bạn sẽ đều nhìn thấy vô số người ngủ lơ mơ trên tàu điện ngầm. Một số người thậm chí ngủ ngay khi đang đứng, và chẳng ai tỏ ra ngạc nhiên trước chuyện đó.
Họ sẵn sàng cắt ngắn giấc ngủ đêm và cau mày khi thức dậy muộn vào buổi sáng, và ưu tiên cho việc tranh thủ chợp mắt mọi lúc có thể, trên phương tiện công cộng, giữa những cuộc họp trong công ty, trong lớp học hay giữa giờ giảng – hiện tượng này trong tiếng Nhật gọi là “Inemuri”.
Một khía cạnh thú vị khác đó là ngủ chung
Ở Anh, dù con cái còn rất nhỏ tuổi, cha mẹ thường được khuyên nên cho chúng ngủ trong phòng riêng để học cách ngủ tự lập, và từ đó thiết lập lịch biểu ngủ cho bé.
Trái lại, ở Nhật, cha mẹ và bác sĩ vẫn dứt khoát cho rằng cần ngủ chung với trẻ ít nhất cho đến khi chúng đến tuổi đi học, và việc đó sẽ giúp trấn an trẻ, giúp trẻ phát triển thành những người lớn độc lập và dễ thích nghi với cộng đồng. Có thể thói quen văn hóa này giúp người Nhật có thể ngủ thoải mái giữa nơi đông người, ngay cả khi đã trưởng thành. Rất nhiều người Nhật nói họ thấy ở công ty thoải mái hơn so với khi ngủ một mình.
Hiện tượng trên cũng được thấy vào mùa xuân năm 2011, sau thảm họa sóng thần khủng khiếp hủy diệt nhiều thị trấn ven biển của nước Nhật. Những người sống sót phải sơ tán và trú trong các khu lều trại, nơi hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người phải sống và ngủ trong không gian chung. Dù cũng có nhiều xung đột và vấn đề, nhưng những người sống sót mô tả việc chia sẻ không gian ngủ chung với cộng đồng giúp họ an tâm, thư giãn hơn và lấy lại được giấc ngủ như thông thường.
Inemuri – Ngủ trong khi làm việc
Thói quen ngủ giữa người xung quanh từ khi là trẻ con chưa thể giải thích được sự lan rộng của hiện tượng ngủ ngắn Inemuri, đặc biệt là ở trường học và công sở. Sau vài năm nghiên cứu chủ đề này, ở mức độ nào đó, Inemuri không hề được coi là ngủ. Không những nó được coi là khác với giấc ngủ đêm thông thường, nó còn khác cả giấc ngủ trưa hay giấc ngủ cho lại sức.
Vậy làm sao ta nhận ra được điều này? Điều này được thể hiện ngay trong tên gọi của giấc ngủ Inemuri, vốn là từ xuất phát từ hai ký tự tiếng Hán. “I” nghĩa là “có mặt” trong một tình huống không ngủ và “nemuri” nghĩa là ngủ. Ý tưởng của Erving Goffman về việc “có tham dự vào các tình huống xã hội” rất hữu ích trong việc giúp chúng ta hiểu được các đặc tính xã hội của giấc ngủ Inemuri và các quy tắc xung quanh kiểu ngủ này.
Qua ngôn ngữ hình thể và biểu cảm giọng nói, ta đã tham gia ở một mức độ nào đó trong mọi tình huống có sự hiện diện của mình. Tuy nhiên, ta vẫn có năng lực để phân chia sự chú ý vào những sự góp mặt quan trọng. Inemuri có thể được coi là sự tham dự phụ thuộc, nó được chấp nhận nếu như không làm phiền đến mọi thứ xung quanh – tương tự như hành vi mơ màng giữa ban ngày.
Thậm chí, dù tâm trí của người ngủ có “đi vắng”, họ vẫn phải có khả năng quay trở lại thực tại ngay khi cần. Họ cũng phải tạo ra được ấn tượng với những người xung quanh rằng họ vẫn tham dự một cách chủ động với những gì đang diễn ra thông qua dáng người, qua ngôn ngữ cơ thể, cách ăn mặc và những thứ tương tự.
Hãy xem xét giấc ngủ Inemuri ở nơi làm việc. Liệu nó có phải là cách làm đúng đắn?
Về nguyên tắc, người lao động được trông đợi là phải tỏ ra tập trung vào công việc và tích cực đóng góp vào những gì diễn ra nơi làm. Chuyện buồn ngủ khiến người ta có ấn tượng là nhân viên đó có vẻ lười biếng, trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, giấc ngủ này cũng có thể coi như là hệ quả của việc quá mỏi mệt vì công việc. Giấc ngủ Inemuri có thể được tha thứ vì thực tế là nhiều cuộc họp kéo dài chỉ để ngồi nghe báo cáo của chủ tọa. Nỗ lực tham dự thường được đánh giá cao hơn là hiệu quả thực sự của buổi họp. Người Nhật nói rằng: “Người Nhật chúng tôi có tinh thần Olympic – sự góp mặt mới là đáng kể”.
Vì vậy, thói quen ngủ ngắn Inemuri của người Nhật không phải là xu hướng của sự lười biếng. Thay vì vậy, nó là biểu hiện thuần túy của đời sống xã hội Nhật Bản để đảm bảo những nghĩa vụ thông thường, cho phép người ta có thể tạm thời “vắng mặt” ngay khi đang làm việc.
Và có một điều rõ ràng rằng: Người Nhật không ngủ. Họ cũng không ngủ trưa. Họ chỉ ngủ Inemuri. Và điều đó cũng chẳng có gì khác biệt cả.