“Hệ thống giáo dục kép” mà Vinfast sắp áp dụng chính là “đặc sản” kinh điển của nền công nghiệp ô tô Đức: Miễn phí học nghề, được nhận lương tháng, ra trường chắc chắn có việc

Vinfast – dự án đầy tham vọng của Vingroup đang ấp ủ sẽ cho ra đời “Chiếc xe với đặc điểm Bản sắc Việt – Thiết kế Ý – Kỹ thuật Đức – Tiêu chuẩn quốc tế”.

Tham vọng của Vingroup là rất lớn khi xây dựng “đại dự án” Vinfast với tổng mức đầu tư lên tới 3-3,5 tỷ USD. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô-tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chủ lực sẽ là ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu này và cung ứng nguồn nhân công khổng lồ cho dự án với thực tế hiện tại ở Việt Nam, Vinfast bắt buộc phải chọn hướng tự đào tạo, dựa theo tiêu chuẩn quốc tế (cụ thể là mô hình ở Đức). Sự kiện ra mắt Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên Cơ điện tử và Cơ khí công nghiệp, nơi các học viên tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn Đức, chính là nước cờ khôn ngoan của Vingroup.

Hệ thống giáo dục kép mà Vinfast sắp áp dụng chính là đặc sản kinh điển của nền công nghiệp ô tô Đức: Miễn phí học nghề, được nhận lương tháng, ra trường chắc chắn có việc - Ảnh 1.

“Hệ thống đào tạo kép”: “Đặc sản” của nền công nghiệp Đức

Johan, 18 tuổi, một thanh niên Đức đang học nghề trong nhà máy thép Georgsmarien Huette ở phía Tây Đức, đang kiếm được khoảng 1.200 USD mỗi tháng. Cứ mỗi 12 tháng thực tập là cậu có thêm 1 tháng tiền thưởng. Và sẽ còn tốt hơn khi Johan kết thúc khóa huấn luyện, cậu sẽ có một công việc đang chờ đợi với thu nhập hứa hẹn cao gấp ba lần khoản lương này.

Johan đã có 2 năm kinh nghiệm học nghề với máy tiện chính xác, các thiết bị điện và đồ họa máy tính. Cậu được đào tạo 3 năm dưới sự kèm cặp bởi một cố vấn dày dạn kinh nghiệm (điều phối viên tập sự), sẽ theo sát hỗ trợ Johan có thể đáp ứng yêu cầu của loạt bài kiểm tra nghề cấp quốc gia. Chỉ khi nào học viên vượt qua hết các bài kiểm tra này, người đó mới được chứng nhận quá trình đào tạo nghề đã học.

Theo tờ Fast Company, trải nghiệm của Johan không phải là mới lạ gì ở Đức. 55% thanh thiếu niên Đức được tham gia vào “hệ thống giáo dục kép” như vậy. Tuy nhiên nó hiếm khi được biết tới ở nơi khác, kể cả cường quốc như Hoa Kỳ. Nền công nghiệp ô tô ở Đức từ lâu đã trở thành kiểu mẫu cho bất cứ quốc gia nào muốn học hỏi để phát triển lĩnh vực này. Và giờ đây Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Các nhà đầu tư Đức đã tạo ra hệ thống đào tạo kép để đáp ứng sẵn sàng nguồn lao động quy mô lớn, với trình độ cao vượt trội dành cho ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên ngành sản xuất không phải là đối tượng được hưởng lợi duy nhất. Có khoảng 350 nghề nghiệp – từ cấp quản lý văn phòng cho tới giới thợ đến các nhà nghiên cứu, đều đang là sản phẩm của hệ thống giáo dục kép. Những người trẻ tuổi sẽ được đào tạo để hoàn thành các bài kiểm tra cấp quốc gia, mà người ra đề là các nhà tuyển dụng, các nhân sự có kinh nghiệm và giáo viên dạy nghề.

55% thanh thiếu niên Đức được tham gia vào “hệ thống giáo dục kép”

Hệ thống giáo dục kép cũng góp phần giúp tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tại Đức duy trì ở mức thấp so với các nền kinh tế phát triển khác. Sự kết hợp của giáo dục và đào tạo nghề còn đảm bảo nguồn cung dồi dào lao động đã qua đào tạo cho quốc gia.

Các công ty con của Đức ở các nước khác đang cố gắng bắt chước việc đào tạo kĩ thuật mà họ đã từng quen làm ở quê nhà. MTU là một ví dụ. MTU là công ty con của Rolls-Royce Power Systems (Friedrichasfen, Đức). Năm 2010, MTU xây nhà máy chuyên sản xuất động cơ diesel ở Aiken, Nam Carolina, Mỹ.

Tháng 3/2010, MTU đã nhận hơn 600 hồ sơ tuyển dụng cho các vị trí có sẵn trong công ty. Công ty đã phỏng vấn 250 ứng viên và dự định chọn 60 kỹ sư cơ khí giàu kinh nghiệm, họ từng làm việc tại các cửa hàng bán ô tô, các đại lý xe hơi và các trạm Jiffy Lube ở địa phương. Tuy nhiên sau đó, công ty này đi đến kết luận rằng họ sẽ tuyển tất cả các lao động có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Nếu ở Đức thì ngược lại, MTU sẽ có một hàng dài học viên lấp đầy các công việc. Nhưng ở Aiken thì không. Vì thế công ty này quyết định sẽ mở một chương trình tập sự, dựa trên mô hình giáo dục kép của Đức.

Câu chuyện đào tạo ở MTU: Hình mẫu đào tạo kép kiểu Đức mà Vinfast đang theo đuổi?

Chương trình đào tạo của MTU America tại Aiken hiện đã được công nhận trên toàn nước Mỹ. Chương trình này đang giúp tạo ra một làn sóng công nhân trẻ tài năng khi mà ngành sản xuất Hoa Kỳ đang phải đối phó với khoảng cách kỹ năng nghiêm trọng.

Mỗi năm, sẽ có 12 sinh viên từ 5 trường trung học tham gia vào Trung tâm Công nghệ để chọn ra 6 suất học chính thức.

Trước tiên, các ứng viên sẽ tham gia một bài kiểm tra toán trực tuyến của MTU nhằm tìm ra các ứng viên tốt nhất. Các ứng viên cũng cần có khả năng làm việc với hệ thống dữ liệu châu Âu và đọc được các bản kế hoạch chi tiết từ công ty mẹ ở Đức.

Trong chương trình 2 năm, học viên sẽ phân bổ thời gian để theo học trung học và học nghề tại Trung tâm Nghề nghiệp và Công nghệ Aiken. Cứ 2 ngày 1 lần, họ đến cơ sở của MTU. Trong 2 năm, trung bình mỗi học viên dành 1.000 giờ có mặt tại nhà máy MTU.

Chương trình đào tạo dựa trên các tài liệu của Đức và bài kiểm tra mà học viên được thực hiện vào cuối chương trình giống như các đồng nghiệp ở Đức sẽ trải qua.

“Điểm cốt lõi của chương trình là chúng tôi giảng dạy các kỹ thuật lắp ráp, dụng cụ cầm tay, đo đạc, làm việc với máy CNC, máy tiện cầm tay, máy tiện bằng tay, dụng cụ, bất kỳ công cụ kiểm soát chất lượng nào mà họ cần sử dụng. Phòng thí nghiệm CMM là một phần trong công việc của họ. Đó là tất cả những gì quan trọng nhất của việc gia công kim loại”, Jeremy Diebel, giám đốc của MTU America giải thích.

Điều quan trọng không kém là những kỹ năng mềm mà những người trẻ tuổi này học hỏi, Diebel nói, chẳng hạn như đi làm đúng giờ, có thái độ tốt và giao tiếp với các nhân viên khác.

“Đây là những điều họ cần biết để làm việc với bất kỳ công ty chuyên nghiệp nào”, Diebel lưu ý. “Chúng tôi đã mất nhiều nhân sự vì những kỹ năng này hơn là vì kiến ​​thức kỹ thuật của họ.”

Hệ thống giáo dục kép mà Vinfast sắp áp dụng chính là đặc sản kinh điển của nền công nghiệp ô tô Đức: Miễn phí học nghề, được nhận lương tháng, ra trường chắc chắn có việc - Ảnh 2.

Jeremy Diebel, giám đốc của MTU America.

Chương trình tập sự diễn ra quanh năm. Trong mùa hè, học viên làm việc 40 giờ và thậm chí cả giờ phụ trội nếu có. Học viên sẽ bắt đầu với mức lương tối thiểu và nhận được bốn lần tăng lương trong quá trình học.

Vào cuối chương trình, học viên ở MTU được cấp chứng nhận cơ khí công nghiệp đủ điều kiện để họ làm việc trong bất kỳ nhà máy sản xuất tương tự ở Nam Carolina.

Không phải tất cả học viên sẽ đều tìm thấy chương trình tập sự theo sở thích của họ.

“Họ ở đây lúc 6 giờ sáng với mọi người. Họ được nghỉ ngơi, ăn trưa. Đây là nơi mà những kỹ năng mềm thực sự được lĩnh hội. Họ hoặc là sẽ học hỏi được từ đây, hoặc không bao giờ”, ông nói.

Diebel cho biết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên thường chọn theo 3 hướng:

1. Nếu họ muốn làm việc tại MTU, công ty sẽ thuê họ.

2. Họ cũng có thể đi đến một công ty khác nếu nó cung cấp một cơ hội việc làm phù hợp với họ tốt hơn. Diebel cho biết, các công ty đánh giá cao những công nhân trẻ này bởi vì họ được đào tạo tốt nhưng vẫn có thể dẻo dai về văn hoá công ty.

3. Một số sinh viên quyết định học lên đại học. Trong trường hợp đó, MTU có thể cho họ thực tập trong thời gian học đại học.

Mặc dù chương trình này có quy mô nhỏ nhưng cách tiếp cận của MTU đang được nhiều công ty học hỏi, điều này giúp nền sản xuất hồi phục và người lao động quay trở lại làm việc tại nhiều bang ở Mỹ như Nam Carolina, North Carolina, Tennessee và Texas.

Hệ thống giáo dục kép mà Vinfast sắp áp dụng chính là đặc sản kinh điển của nền công nghiệp ô tô Đức: Miễn phí học nghề, được nhận lương tháng, ra trường chắc chắn có việc - Ảnh 3.

6 học viên được tuyển chọn trong chương trình đào tạo của MTU ở Aiken, Mỹ.

Công việc “kỹ năng trung bình” và khoảng cách kỹ năng giữa nhà trường với doanh nghiệp

Công việc “kỹ năng trung bình”, nôm na là đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nhưng không cần đến bằng đại học 4 năm, sẽ là tương lai của nhiều nền kinh tế.

Sau nhiều thập kỷ “lơ là” sản xuất, khoảng cách kỹ năng nghề nghiệp ở Mỹ đang dần trở nên nghiêm trọng. Ước tính năm 2017 cần 2,5 triệu việc làm “kỹ năng trung bình” được bổ sung vào lực lượng lao động cả nước, chiếm 40% tổng số việc làm tăng thêm. Chỉ riêng bang New York, gần 25% các công việc kỹ năng trung bình đang bị thiếu hụt.

Chương trình huấn luyện của MTU đang được Bộ Lao động Mỹ và nhiều nhà tuyển dụng quan tâm. Nước Mỹ cũng đang khuyến khích các công ty tham gia vào chương trình này và đa dạng hóa phạm vi của các lĩnh vực đào tạo nghề như lĩnh vực sản xuất trình độ cao, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe; thuyết phục các trường trung học, cao đẳng cộng đồng và kỹ thuật trong khu vực tuyển dụng các giảng viên có kinh nghiệm trong ngành, những người có khả năng gia nhập mạng lưới tuyển dụng mà họ xây dựng qua kinh nghiệm làm việc của mình, để đào tạo ra các học viên có trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Ở những nơi như Aiken – vốn từng là một trung tâm dệt may nhưng khi mất đi ngành nghề này, phiên bản Mỹ của hệ thống giáo dục Đức đã tạo ra sự khác biệt đáng kể. Nơi đây bắt đầu cung cấp cho các sinh viên Mỹ (những người trẻ tuổi đôi mươi) những kỹ năng mà họ cần có để cạnh tranh và tìm kiếm các công việc có mức lương tốt. Từ ngành sản xuất tiên tiến cho tới quản lý dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, từ hệ thống đường ống, hơi nước cho tới các công việc kĩ thuật trong phòng thí nghiệm, các kỹ năng chuyên biệt để đảm bảo cuộc sống cho những người trẻ tuổi theo những các khác nhau.

Hệ thống giáo dục kép mà Vinfast sắp áp dụng chính là đặc sản kinh điển của nền công nghiệp ô tô Đức: Miễn phí học nghề, được nhận lương tháng, ra trường chắc chắn có việc - Ảnh 4.

Quay trở lại thị trường Việt Nam.

Từ năm 2010 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình tại Việt Nam dự báo sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ năng cao.

Theo báo cáo của ILO năm 2015, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và tính phù hợp của nền giáo dục và đào tạo ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề để đáp ứng được tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình.

Thành tích học tập của học sinh cấp trung học cơ sở ở Việt Nam thường được đánh giá ở mức cao. Tuy nhiên, về khía cạnh thực hành ở Việt Nam vẫn luôn nhức nhối. “Khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc”, đại diện ILO Việt Nam cho biết trong báo cáo năm 2015.

“Vì thế, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và giáo dục, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo là hết sức quan trọng”.

Với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong thị trường lao động hiện tại, việc đầu tư phát triển mô hình kết hợp đào tạo và hướng nghiệp mà Vinfast đang hướng đến sẽ là hướng đi quan trọng trong tương lai của doanh nghiệp này khi đến với lĩnh vực mới đầy thử thách như sản xuất ô tô. Nếu thành công, mô hình đào tạo kép hứa hẹn là hình mẫu tương lai của toàn ngành sản xuất.

Luồng gió mới cho thị trường việc làm từ quyết định thành lập trường dạy nghề của VinFast?

Bài viết mới