Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, hồ sơ Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đủ điều kiện trình UBND tỉnh xem xét, lấy ý kiến Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản thẩm định điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lâm Đồng
Theo đó, đến năm 2030 Lâm Đồng có tỷ lệ đô thị hóa đạt 59,3%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,0 – 2,5 %; diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2 sàn/người; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 85%;…
Đến năm 2035, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 62 %; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 2,5 – 3,0 %; diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực đô thị đạt trên 35 m2 sàn/người; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 90%;…
Lâm Đồng định hướng hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng (vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng TP.HCM); gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, mở rộng không gian thành phố Đà Lạt theo quy hoạch. Theo đó, nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt.
Định hướng phát triển thành phố Đà Lạt (mở rộng) là trung tâm tiểu vùng của vùng kinh tế Nam Tây Nguyên; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia;…
Thành phố Đà Lạt (mở rộng) là đô thị phát triển du lịch quốc gia. Xây dựng thành phố Đà Lạt (mở rộng) trở thành thành phố di sản thế giới.
Bên cạnh đó, mở rộng không gian thành phố Bảo Lộc theo quy hoạch. Theo đó, điều chỉnh địa giới hành chính 05 xã của huyện Bảo Lâm (gồm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân) vào thành phố Bảo Lộc.
Định hướng phát triển thành phố Bảo Lộc (mở rộng) là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; trung tâm kết nối giao thương của tỉnh Lâm Đồng với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thành phố Bảo Lộc (mở rộng) có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Tây Nguyên; là đô thị tổng hợp hiện đại, thành phố thông minh; đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang nét đặc trưng riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn và yêu cầu về thu hút đầu tư; kiến tạo, phát huy môi trường sống theo hướng bố trí các làng đô thị xanh và các khu đô thị; trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp; trung tâm văn hóa, thể thao cấp quốc gia; trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia;…
Tại Lâm Đồng sẽ có đô thị theo chức năng tổng hợp gồm đô thị Đức Trọng, Đinh Văn, Di Linh, Thạnh Mỹ, Lộc Thắng, Đạ Tẻh, Bằng Lăng.
Trong đó đô thị Đức Trọng là trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh, trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp, trung tâm văn Văn hóa thể thao, trung tâm công nghệ cao và khu phi thuế quan, trung tâm dịch vụ du lịch hỗn hợp cấp vùng, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Đô thị Di Linh là đô thị trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đô thị Đạ Tẻh là trung tâm động lực kinh tế- xã hội của 03 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng.
Tại Lâm Đồng còn có đô thị chuyên ngành và các đô thị mới cấp huyện gồm: Mađaguôi, Cát Tiên, Nam Ban, Hòa Ninh, Đ’Ran, Đạ M’ri, Phước Cát, Đạ Rsal, Phi Liêng, Tân Văn (Tân Văn, Tân Hà, Hoài Đức), Tân Lâm, Gia Hiệp, Lộc Bảo.
Đến năm 2030, Đức Trọng sẽ là đô thị loại III
Đến năm 2030, Lâm Đồng có 17 đô thị
Cũng theo văn bản thẩm định nói trên, đến năm 2030, quy mô dân số đô thị toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.545 – 1.565 ngàn người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 20.000 – 23.000 ha.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 17 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Đà Lạt (mở rộng); 01 đô thị loại II (thành phố Bảo Lộc (mở rộng); 03 đô thị loại III (đô thị Đức Trọng, đô thị Di Linh – huyện Di Linh, đô thị Đạ Tẻh – huyện Đạ Huoai (mới);
05 đô thị loại IV gồm thị trấn Mađaguôi, thị trấn Cát Tiên – huyện Đạ Huoai (mới), thị trấn Đinh Văn – huyện Lâm Hà, thị trấn Thạnh Mỹ- huyện Đơn Dương, thị trấn Lộc Thắng – huyện Bảo Lâm);
07 đô thị loại V gồm thị trấn Nam Ban- huyện Lâm Hà, thị trấn Hòa Ninh- huyện Di Linh, thị trấn D’Ran – huyện Đơn Dương, thị trấn Đạ M’ri, thị trấn Phước Cát – huyện Đạ Huoai (mới), thị trấn Bằng Lăng, thị trấn Đạ Rsal- huyện Đam Rông.
Định hướng đến năm 2035, tỉnh dự kiến tiếp tục mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch đi đôi với nâng cao chất lượng các đô thị làm cơ sở nâng loại đô thị trên cơ sở hệ thống đô thị đã hình thành trong giai đoạn trước. Đồng thời rà soát, xem xét công nhận một số đô thị mới loại V tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, khu vực nội thành gồm 03 quận: Thành phố Đà Lạt (mở rộng) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban, xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); đô thị Đức Trọng; thành phố Bảo Lộc (mở rộng).
Khu vực ngoại thành gồm 03 thị xã (Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh) và 03 huyện (Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (mới)).
Lâm Đồng sẽ nâng cấp cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4E là cảng hàng không quốc tế.
Điểm tên loạt dự án ưu tiên đầu tư
Văn bản thẩm định của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối các đô thị và nguồn lực thực hiện.
Theo đó, nhóm dự án giao thông gồm: Hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương; triển khai đầu tư Đường cao tốc Liên Khương – Nha Trang, Đường cao tốc Liên Khương – Buôn Mê Thuột; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến quốc lộ 20, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27C, Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 55, Quốc lộ 55B, đường Trường Sơn Đông; đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến tỉnh lộ hiện hữu; đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt;
Nâng cấp cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4E là cảng hàng không quốc tế; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt; đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị Monorail du lịch tại thành phố Đà Lạt với tổng chiều dài 89,63 km;
Nhóm dự án công nghiệp gồm: Phát triển các khu công nghiệp Đạ Tẻh, Tân Rai – Bảo Lâm, Lộc Châu – Đại Lào, Phú Bình; các cụm công nghiệp Đinh Văn 2, Liên Đầm – Tân Châu, Hòa Ninh, Lộc Ngãi, Liêng Srônh, Cát Tiên;…
Nhóm dự án văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Dự án Khu du lịch Hồ Prenn; Sân golf và nghỉ dưỡng Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt; mở rộng Khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt; đầu tư xây dựng Khu du lịch Đan Kia- Suối vàng, thành phố Đà Lạt; khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái dã ngoại phía Đông thành phố Đà Lạt; đầu tư xây dựng khu thể thao dưới nước tại thành phố Đà Lạt;
Xây dựng khu huấn luyện thể thao Quốc gia tại Khu liên hợp Văn hóa – Thể thao tỉnh; khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng; khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí ven Hồ Nam Phương 1, thành phố Bảo Lộc; khu du lịch núi Sapung, thành phố Bảo Lộc; khu đô thị du lịch Phường B’lao thành phố Bảo Lộc; du lịch sinh thái, canh nông đồi Ka Đơn, huyện Đơn Dương;…
Nhóm dự án xây dựng khu đô thị, khu nhà ở gồm: khu chỉnh trang đô thị tái định cư 5B tại thành phố Đà Lạt; khu dân cư Lữ Gia, phường 9, thành phố Đà Lạt; khu nhà ở thương mại đường Huỳnh Tấn Phát, thành phố Đà Lạt; khu nhà ở xã hội chung cư CC5 tại thành phố Đà Lạt; khu dân cư đường Nguyễn Thái Bình, thành phố Bảo Lộc; nhà ở khu công nhân kế cận các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Bảo Lộc; khu đô thị sinh thái – Tổ hợp thương mại dịch vụ tại đồi Monkrit, huyện Đức Trọng; khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng;…