Hé lộ các trục hành lang động lực phát triển của tỉnh Bình Định

HĐND tỉnh Bình Định vừa thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định các trục hành lang động lực phát triển tại tỉnh.

Trong đó, tuyến quốc lộ 19 là động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Đây là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên với cửa ngõ ra biển là cảng Quy Nhơn.

Quốc lộ 19 hỗ trợ phát triển kinh tế Đông và Tây Nam tỉnh Bình Định mà trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp Nhơn Hòa, Bình Nghi và hàng loạt cụm công nghiệp dọc trục.

Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn.

Tuyến quốc lộ 1 là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Dọc tuyến tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ lớn, công nghiệp, dịch vụ hàng không gắn với sân bay Phù Cát, dịch vụ logistic tại Phước Lộc, Tuy Phước và dịch vụ đường sắt gắn với ga Diêu Trì.

Quốc lộ 1 có vai trò là trung điểm gắn kết giữa các vùng kinh tế phía Đông và phía Tây của tỉnh. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn Ngô Mây, Phù Mỹ, Bình Dương, Phước Lộc, Diêu Trì.

Tương tự hai tuyến đường nêu trên, tuyến quốc lộ 19B là trục hỗ trợ kết nối khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Tuyến đường góp phần phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch.

Tuyến quốc lộ 19B tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị trấn Cát Tiến, huyện Tây Sơn.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định còn có tuyến quốc lộ 19C là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam, kết nối với Phú Yên; phục vụ phát triển khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định và các khu logistics dọc tuyến.

Tuyến này tác động trực tiếp đến không phát triển của thị trấn Diêu Trì, Vân Canh và Canh Vinh.

Đặc biệt, tỉnh còn có tuyến quốc lộ 1D là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định và Phú Yên.

Đây là tuyến trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Bình Định gắn với các khu vực Xuân Vân – Gềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu, các bãi biển, khu du lịch trong chuỗi liên kết Quy Nhơn – Sông Cầu và dải du lịch miền Trung. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn.

Chưa hết, tại Bình Định còn có tuyến đường tỉnh ĐT.638 là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng phía Tây của tỉnh Bình Định, kết nối khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến cảng Quy Nhơn. Tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

Tại tỉnh còn có tuyến đường tỉnh ĐT.629, ĐT.630, là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định và làm tăng tính liên kết giữa chuỗi đô thị ven biển với các huyện miền núi.

Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn An Lão, An Hòa, Tăng Bạt Hổ, Ân Tường Tây.

Khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Định bao gồm thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, thị xã An Nhơn; tiếp tục đảm nhận là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định.

Đây là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.

Đây còn là đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng của vùng Nam Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Bài viết mới