Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank – HDB) vừa tổ chức hội nghị đầu tư để cung cấp thông tin cập nhật về kế hoạch sáp nhập PG Bank cùng hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm.
Được biết, thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018, HDBank đang tiến hành các thủ tục để hoàn thành phương án sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) với tỷ lệ hoán đổi 1:0,62 tức một cổ phiếu PG Bank đổi lấy 0,62 cổ phiếu HDB.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo HDBank cho biết ngân hàng này đang đạt những kết quả kinh doanh khả quan nhất và đang triển khai những kế hoạch lớn, các dự án lớn để phát huy những lợi thế riêng có, thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ, SME, tiêu dùng hàng đầu.
Hệ sinh thái khách hàng khổng lồ và công ty tài chính tiêu dùng top 3
HDBank là ngân hàng sáng lập Vietjet Air, hãng hàng không có thị phần nội địa đứng đầu hiện nay với kế hoạch vận chuyển 25 triệu hành khách trong năm 2018. Ban lãnh đạo HDBank cho biết, bên cạnh phí dịch vụ thu được từ liên kết thanh toán vé máy bay với Vietjet Air, HDBank còn có lợi ích từ dòng tiền thanh toán được chuyển vào hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Petrolimex – đối tác đang có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý
Tính sơ bộ, với số lượng khách hàng Vietjet Air và Petrolimex mà HDBank có khả năng tiếp cận, khai thác lên tới 40 triệu khách hàng cá nhân.
Ngoài nhóm khách hàng lớn, HDBank còn có nền tảng ngân hàng phục vụ khách hàng SME cũng khá mạnh, đặc biệt là sau khi sáp nhập với Đại Á cách đây 5 năm. Trong tương lai gần, với mục tiêu khai thác 2-3 USD doanh thu mỗi năm từ phí dịch vụ trên mỗi khách hàng, ngân hàng dự kiến có nguồn thu phí hàng trăm triệu USD/năm.
Và không chỉ là hệ sinh thái khách hàng khiến nhiều nhà băng khác phải ao ước, HDBank còn đang có trong tay công ty tài chính tiêu dùng có thị phần top 3 thị trường hiện nay là HD Saison – công ty liên doanh với Nhật. Năm ngoái công ty này mang về lợi nhuận gần 400 tỷ đồng cho HDBank và dự kiến năm 2018 là khoảng 1.000 tỷ. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như lãnh đạo các ngân hàng thì công ty tài chính vẫn sẽ là “gà đẻ trứng vàng” trong vòng 5 năm tới.
Năng lực M&A mạnh
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, HDBank là ngân hàng có năng lực M&A dẫn đầu thị trường hiện nay. Hồi năm 2013, thương vụ sáp nhập DaiABank đã đánh dấu cho trường hợp M&A tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam, tiếp đến là mua đứt công ty tài chính tiêu dùng SGVF của Pháp vào năm 2014.
Sau hai thương vụ, HDBank nhanh chóng ổn định hoạt động và gia tăng vị thế trên thị trường. Tiếp đó, cũng trong năm 2014, ngân hàng thực hiện bán 49% vốn công ty tài chính cho đối tác Saison của Nhật để hình thành nên liên doanh HD Saison hiện nay với thị phần nằm trong top 3 công ty tài chính mạnh nhất.
Và không như các thương vụ mua bán sáp nhập khác khi các ngân hàng đều phải mất một thời gian dài xử lý các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là nợ xấu, thì HDBank đã giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn và đồng bộ hoạt động nhanh đến khó ngờ. Đến nay ngân hàng đã nằm trong top 8 ngân hàng lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân, có khả năng sinh lời trên vốn và tài sản thuộc nhóm đầu toàn hệ thống (ROE là 19,2% và ROA ở mức 1,5%), còn nếu tính riêng các trường hợp đã thực hiện M&A thời gian qua thì ngân hàng không có đối thủ về ROE cũng như ROA.
Sẽ nới room ngoại sau sáp nhập, lợi nhuận mục tiêu năm nay hơn 4.700 tỷ đồng
HDBank đã đưa 981 triệu cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vào tháng 1 vừa qua. Sau hơn 5 tháng lên sàn, giá trị cổ phiếu HDBank đã tăng trên 30% (từ mức chào sàn 33.000 đồng lên 43.500 chốt phiên 8/6), nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với tỷ lệ gia tăng thêm tới 6%.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, sau sáp nhập room ngoại sẽ xuất hiện thêm 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%, và ngân hàng cũng sẽ nới thêm room ngoại cho nhà đầu tư. Việc có thêm room sẽ gia tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu HDB.
Ngoài ra, sau khi sáp nhập, ngân hàng hợp nhất sẽ hình thành cổ phiếu quỹ tới 113,7 triệu cổ phiếu, mà theo giá trị thị trường ngày 8/6 thì tương đương hơn 4.900 tỷ đồng bổ sung vào vốn chủ sở hữu.
Tại hội nghị, lãnh đạo HDBank cho biết thêm trong tháng 6 sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức tỷ lệ 13% bằng tiền mặt và 22% cổ tức sẽ được chia ngay sau khi hoàn tất sáp nhập PG Bank.
Với việc sáp nhập PG Bank, ngân hàng sẽ nâng mục tiêu lợi nhuận lên trên 4.712 tỷ đồng, thay vì mức 3.933 tỷ đồng nếu không có thương vụ này.
Cập nhật kết quả kinh doanh, HDBank cho biết hết tháng 5 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt hơn 14%. Ngân hàng cũng đã phát triển thêm hơn 48.504 khách hàng cá nhân;t700 khách hàng doanh nghiệp, tăng 103% so với cuối năm 2017. Riêng Công ty tài chính tiêu dùng HD Saison đã phục vụ hơn 3,9 triệu khách hàng, tăng 151,91% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý 1 ngân hàng đạt lợi nhuận hợp nhất 1.045 tỷ đồng, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch năm. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,22%.