Hàng tiêu dùng tăng giá

Sau thời gian dài ổn định, 3 tháng gần đây giá gas đã tăng liên tục (tính từ đầu tháng 5) với mức tăng tổng cộng 29.000 đồng/bình 12 kg, đưa giá gas lên 346.000-365.000 đồng/bình 12 kg (tùy thương hiệu). Theo sau gas, các mặt hàng phục vụ cho bữa ăn hằng ngày như: gạo, trứng, thịt… lần lượt nhích lên và đứng ở mức cao.

Giá cao nên khó bán hàng

Là người đi chợ cho gia đình, chị Trần Thị Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) bắt đầu cảm thấy áp lực trong tính toán tiền chợ mỗi ngày. “Lâu nay, nhà tôi mua gạo lúa mùa với giá 27.000 đồng/kg, cách đây 2 tháng cửa hàng tăng lên 28.000 đồng/kg và giữ giá đến nay. Trứng gà công nghiệp trước đây siêu thị bán 23.000 đồng/chục, nay tôi mua ở tiệm tạp hóa gần nhà đến 28.000 đồng/chục. Tuần trước, tôi ghé cửa hàng Satra Food (đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận), thấy ghi giá trứng gà 24.000 đồng/chục nhưng kệ trống không…” – chị Hoa kể.

Hàng tiêu dùng tăng giá - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng thực phẩm bán tại siêu thị đang có giá rẻ hơn ở chợ Ảnh: TẤN THẠNH

Ghi nhận ngày 4-7 tại chợ Xóm Củi (quận 8, TP HCM), trứng gà công nghiệp 28.000-30.000 đồng/chục, trứng vịt loại lớn 40.000 đồng/chục, tăng khoảng 2.000 đồng/chục so với 2 tuần trước. Giá thịt heo đứng ở mức cao: sườn non 130.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, thịt đùi và giò heo 80.000 đồng/kg, xương 75.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Mai, chủ một sạp thịt ở chợ Xóm Củi, cho biết có lúc mua thịt heo sỉ giá tăng 23.000 đồng/kg nhưng bán lẻ chỉ tăng 10.000-15.000 đồng/kg, nếu tăng nhiều rất khó bán.

Diễn biến tăng giá đã lan sang các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả, sữa bột, sữa nước và nhóm mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh gia đình với mức tăng ít nhất 5% – 10% so với trước. Anh Trần Văn Được, chủ tiệm tạp hóa Bi Na (đường Tạ Quang Bửu, quận 8), cho biết các nhà cung cấp vừa có đợt tăng giá hóa mỹ phẩm 2.000-4.000 đồng/sản phẩm. Mức tăng này chưa ảnh hưởng đến sức mua, một phần nhờ cửa hàng linh hoạt giữ nguyên giá cũ, giảm lãi đối với những mặt hàng nhà cung cấp tăng giá thấp.

Áp lực kép

Chủ các trại chăn nuôi gia cầm cho hay giá trứng, thịt gà công nghiệp tại trại đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Mặt hàng tăng nóng nhất là thịt heo khi giá heo hơi tăng liên tục từ tháng 3 và đang đứng ở mức cao (44.000-47.000 đồng/kg). Từ cuối tháng 4 đến nay, các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường đã 3 lần tăng giá do giá nguyên liệu tăng. Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, giá thức ăn chăn nuôi tăng do tác động kép từ giá nguyên liệu tăng và tỉ giá USD/VNĐ tăng làm đội giá thành.

Ông Phan Tư Nhuận, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Sông Xanh – chuyên cung ứng rau củ quả cho các bếp ăn tập thể và siêu thị, cho biết lợi nhuận công ty đã giảm mạnh trong các tháng đầu năm nay. “Chi phí đầu vào đang tăng rất mạnh nhưng giá đầu ra giữ nguyên và khó có khả năng tăng trong thời gian tới khiến hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Chúng tôi đã gửi email đề nghị siêu thị tăng giá nhưng phải chờ xét duyệt rất lâu và ít hy vọng sẽ được duyệt do tăng giá thường kèm với việc giảm sức mua. Trước mắt, công ty ngưng cung cấp các mặt hàng đưa vào siêu thị với giá cũ mà lỗ nặng chờ giá thị trường ổn định. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng phát triển sản phẩm mới để tăng lưu chuyển hàng hóa, tăng doanh thu” – ông Nhuận bày tỏ.

Một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM xác nhận có tình trạng tăng giá một số mặt hàng. Sắp tới, nhiều khả năng sẽ có đợt tăng giá các mặt hàng nhập khẩu hoặc sử dụng nguyên liệu nhập khẩu do ảnh hưởng của tỉ giá tăng. Tuy nhiên, hiện sức mua rất thấp nên cả nhà sản xuất – kinh doanh lẫn phân phối bán lẻ đều rất cân nhắc trước quyết định tăng giá. Ông Vũ Thanh Tân, phụ trách truyền thông Big C, cho biết Big C đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp song với tiêu chí “làm cuộc sống khách hàng dễ dàng hơn”, Big C sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện chính sách “giá luôn thấp” cùng các hoạt động tiếp thị thích hợp.

Gom hàng giá rẻ ở siêu thị

Trong khi kênh phân phối truyền thống nhạy cảm hơn với diễn biến tăng giá thì tại kênh phân phối hiện đại, nhiều mặt hàng vẫn đang được bán với giá cũ hoặc khuyến mãi giảm giá dẫn đến tình trạng khách hàng vào siêu thị mua gom để hưởng chênh lệch giá. Một số siêu thị phải dán thông báo hạn chế số lượng sản phẩm/khách/ngày. Big C đã ra thông báo các loại sữa bột chỉ giới hạn 2 sản phẩm/người/ngày. Emart thì giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 5 vỉ trứng các loại. Theo đại diện Big C, việc giới hạn số lượng sản phẩm trên mỗi khách hàng nhằm bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, tránh tình trạng các nhà buôn sỉ vào Big C gom hàng đem ra ngoài bán lẻ với giá cao hơn.

Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing Emart Việt Nam, cho biết hiện Emart đang bán trứng gà loại 1 của Vĩnh Thành Đạt 26.000 đồng/chục, rẻ hơn mặt bằng chung khá nhiều nên có hiện tượng khách hàng mua gom số lượng lớn, lên đến mấy trăm vỉ (vỉ 10 trứng), siêu thị không đủ hàng bán cho người tiêu dùng thông thường nên phải hạn chế số lượng.

Nắng nóng kỷ lục, ngành dịch vụ kẻ khóc người cười

Bài viết mới