Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam?

Lo hàng Việt “lép vế” trên sân nhà

Kết quả khảo sát về hàng Việt Nam chất lượng cao 2017 cho thấy sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích chiếm 51% và thường xuyên mua dùng chiếm đến 60%. Tuy nhiên, khảo sát 2018 cho thấy tỷ lệ này đã giảm mạnh, lần lượt chỉ có 27% người tiêu dùng yêu thích và 32% chọn mua.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 1.

Hàng ngoại được bán nhiều trong hệ thống siêu thị tại Việt Nam

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên kể đến là ưu thế phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối hiện đại ngoại xuất hiện ồ ạt trên thị trường Việt, trong đó phải kể đến các “ông lớn” Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, thông qua chuỗi phân phối Mega Market (trước đó là Metro), Lotte, B’smart, Robinson, Nguyễn Kim, Aeon Mall, Family Mart, 7-Eleven, Circle K…

Thực tế cho thấy, hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp ngoại và hàng ngoại đang dần lấn sân trên thị trường Việt Nam khiến hàng Việt ngày càng “rơi rụng” ở các quầy kệ của siêu thị. Nếu các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước không đoàn kết, hợp tác tốt với nhau để cùng phát triển thì việc “thua ngay trên sân nhà” hiện hữu ngay trong tương lai gần.

Phát biểu tại buổi tọa đàm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại về nguy cơ hàng ngoại thuế bằng 0 tràn vào thị trường Việt khiến hàng nội “lép vế”.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh


TS. Lê Đăng Doanh cho biết, năm 2018, có tới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% gây sức ép lớn cho nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo sức ép lớn lên hàng nội.

2018 là năm chuyển sang thuế nhập khẩu bằng 0% đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Do đó, theo ông Doanh, đây không phải là năm dễ dàng.

Trên thực tế thâm hụt thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây tuy đã giảm đáng kể, thậm chí còn thặng dư trong năm 2017, song nguy cơ hàng ngoại nhập tràn vào “sân nhà” đã hiện hữu nếu các nhà sản xuất nội địa không tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hàng rào kỹ thuật vẫn ở mức thấp…

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, khi chất vấn Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất cần xem lại “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Quốc nêu rõ: Các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng. Mặt khác, trên thực tế năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” ngày càng nhiều và có hiện tượng hàng nước ngoài phải gắn mác Việt Nam để tiêu thụ ở Việt Nam.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc


Vì thế, theo ông Dương Trung Quốc, đã đến lúc kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại; phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Đó cũng là điều thường thấy ở các nền kinh tế tiên tiến luôn coi trọng thị trường quốc nội, ưu tiên phục vụ chính những người dân của mình.

Hội nhập mang lợi ích cho tất cả các bên

Trước thách thức hàng Việt bị “lép vế” trước hàng ngoại, bà Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP Mắt Bão (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Ở góc độ cạnh tranh, việc hội nhập luôn mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Doanh nghiệp trong nước đã, đang và sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp các nước vì sản phẩm thế mạnh của các nước còn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Về lý thuyết, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ kéo giảm đáng kể giá nhiều mặt hàng.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 4.

Bà Lương Tú Anh – Giám đốc điều hành – Công ty CP Mắt Bão (Hà Nội) đồng sáng lập công ty CP BPO Mắt Bão


Bà Lương Tú Anh nêu ví dụ: Với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), thuế nhập khẩu quần áo, máy móc điện tử sẽ giảm từ mức 5% và 10% xuống 0% hay sữa, các mặt hàng từ sữa nhập khẩu từ Châu Âu sẽ cũng giảm về 0%.

Theo CEO Mắt Bão, không dễ đánh giá mức độ tác động của việc giảm thuế tới giá các sản phẩm nói trên vì còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Về nguyên tắc, thuế giảm, giá sẽ giảm để tăng sức cạnh tranh. Do đó, hàng Việt nếu coi đây là cơ hội, đầu tư vào thương hiệu, hình ảnh, nâng cao dịch vụ, tập trung vào chất lượng sản phẩm và chăm sóc khách hàng thì vẫn có nhiều cơ hội cạnh tranh và giữ vững thị trường.

Còn theo ông Đỗ Minh Chính, giám đốc một công ty cung ứng nhân lực quốc tế, việc hàng nhập khẩu tràn vào thị trường sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhưng đó cũng là cơ hội để mỗi doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nỗ lực hoàn thiện hơn chất lượng của mình.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam? - Ảnh 5.

TS. Đỗ Minh Chính – Chủ tịch HĐQT Công ty HAVICO


“Xét cho cùng, điều mà chúng ta đều mong muốn là sản phẩm tốt tới được với người tiêu dùng. Một chủ doanh nghiệp có thể sản xuất ra một hoặc một số sản phẩm nhất định nhưng lại là người tiêu dùng của vô số sản phẩm khác, nên việc có nhiều sản phẩm tốt đến từ nước ngoài cũng như từ sự đi lên của sản xuất nội địa nên được coi là tín hiệu đáng mừng,” ông Chính nêu quan điểm.

Hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thuế về 0%

Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2018 – 2022, có nhiều dòng hàng cắt giảm thuế nhập khẩu về đến 0% từ năm 2018.

Cụ thể, số dòng thuế này được giảm từ mức 5% và 10% năm 2017 xuống 0% vào năm 2018, gồm các mặt hàng như: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến, hóa chất, thuốc kháng sinh, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, tàu thuyền…/.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Xem lại kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam“

Bài viết mới