Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, tại thành phố hiện có hơn 1.300 dự án gặp vướng mắc đất đai sau quá trình thực hiện Luật đất đai từ năm 2003 đến 2010.
Ngày 28/2/2023, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng’’.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đi sâu vào các quy định cụ thể hóa nội dung về mặt tư tưởng, với mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai, khắc phục những hạn chế sau tổng kết thực hiện Luật Đất đai 2013,…
Theo ông Quảng, một trong những vấn đề rất lớn của thành phố hiện nay là giải quyết những tồn tại cũ. Việc góp ý sửa đổi Luật đất đai hiện nay bản chất là đang giải quyết những tồn tại của Luật Đất đai 2003.
Ông Quảng dẫn chứng, như việc thực hiện Kết luận 2852 về quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đến 2010. Hiện nay, qua rà soát tổng hợp thì Đà Nẵng hiện có trên 1.300 dự án đang có những vướng mắc liên quan đến nội dung này.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, căn cứ vào kết quả lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố và kết quả của Hội thảo, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả đảm bảo chất lượng, khách quan để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ.
Hội thảo khoa học “Thảo luận, lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được chia ra làm 4 chuyên đề.
Cụ thể là, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp GCN và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất và việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Trong một diễn biến khác có liên quan, mới đây Bộ Xây dựng đã có báo cáo về hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ qua các buổi làm việc với các địa phương, doanh nghiệp bất động sản và qua báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp gửi về cho thấy hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 80% dự án trên số lượng dự án 180 dự án khu đô thị, nhà ở; thành phố Hà Nội có 50 % dự án trên số lượng 170 dự án nhà ở, khu đô thị; thành phố Đà Nẵng có 60 % dự án trên số lượng 75 dự án nhà ở, khu đô thị; thành phố Hải Phòng có 30% dự án trên số lượng 65 dự án nhà ở, khu đô thị; thành phố Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị.