Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2018

Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân; chủ đầu tư phải trả chi phí phá dỡ nhà sai phép; công khai danh sách người hành nghề dược;nông dân nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp… là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Cấm cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu

Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có hiệu lực từ ngày 21/6 quy định: với cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại cơ quan có thẩm quyền không được thực hiện các hành vi cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định cũng nghiêm cấm cán bộ từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở…

Tất cả các trường hợp sai phạm, làm trái quy định trên đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính không được thực hiện các hành vi như gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; cản trở việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; dùng các thủ đoạn khác để lừa dối, hối lộ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính…

Xây sai phép phải chi trả toàn bộ phí phá dỡ

Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 12/6 quy định quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định: với công trình thi công sai phép, hoặc không có Giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính…

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư xây dựng công trình sai phép bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Nếu chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Khi bị cưỡng chế, phá dỡ, chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan.

Thông tư cũng nêu rõ, với công trình thi công sai phép hoặc không có giấy phép mà đang xây dựng thì phải dừng thi công kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt.

Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

Công khai danh sách người hành nghề dược

Có hiệu lực từ 1/6, Thông tư 07/2018 của Bộ Y tế quy định các cơ sở kinh doanh dược phải thông báo danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược, Sở Y tế có trách nhiệm công khai trên Trang Thông tin điện tử của Sở Y tế theo quy định.

Hộ nghèo được hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm nông nghiệp

Nghị định 58/2018 có hiệu lực từ ngày 5/6 quy định các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp nằm trong chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước sẽ được hưởng mức hỗ trợ như sau:

Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; cá nhân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20%; tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn áp dụng khoa học công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20%.

Bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nếu các đối tượng bị rủi ro thiên tai, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, bệnh dịch.

Xóa cơ chế xin – cho trong giao dịch hàng hóa nông sản

Thay vì phải mất 3 – 4 tháng xin phép, đến nay, các sản phẩm nông sản Việt Nam có thể được giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa mà không cần xin phép.

Đó là một trong những nội dung tại Nghị định số 51/2018/NĐ-CP, ngày 9-4-2018 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, ngày 28-12-2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Nghị định số 51/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6..

Công nhận nghề truyền thống

Nghị định 52/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6 quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Theo đó, hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống bao gồm các giấy tờ sau: – Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống; – Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có).

Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống; – Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

Theo quy định, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo tiêu chí và trình UBND cấp tỉnh xét công nhận. Trong vòng 30 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn và ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống.

Ngoài ra, một số quy định mới về hướng dẫn những trường hợp được coi là phạm tội lần đầu, quy chế xét thăng hạng giảng viên đại học công lập…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2018.

Nhiều chính sách ưu đãi mới đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

Bài viết mới