Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Công ty TNHH Hàng không Tre Việt ( VietBamboo Airlines – doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn FLC ) đã chọn địa điểm đặt trụ sở kinh doanh tại tỉnh Bình Định, nơi có sân bay Phù Cát. Đây là doanh nghiệp hàng không đầu tiên và duy nhất chọn Bình Định làm nơi đặt trụ sở kinh doanh.
Việc lựa chọn địa điểm đặt đại bản doanh là quyền của các doanh nghiệp hàng không, được quyết định trên cơ sở phù hợp với chiến lược kinh doanh của người đầu tư. Với việc đặt trụ sở tại Bình Định, VietBamboo Airlines đã xác định mạng bay chính sẽ kết nối các điểm đến với sân bay Phù Cát. Đây là sân bay địa phương vừa được đầu tư, nâng cấp để có năng lực tiếp nhận 7 vị trí đậu máy bay Airbus320/321, công suất thiết kế nhà ga hành khách đạt 1,5 triệu hành khách/năm và chỉ hoạt động ban ngày vì chưa có hệ thống đèn bay đêm.
Trên thị trường, các hãng hàng không nội địa khác đều đặt trụ sở tại Hà Nội (Vietnam Airlines, Vietjet) và TP HCM (Jetstar Pacific) để phát triển mạng bay chính trên đường trục Hà Nội – TP HCM – Hà Nội và Hà Nội/TP HCM – Đà Nẵng.
Từ đó lựa chọn các sân bay lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất làm sân bay căn cứ (sân bay mà các nhà khai thác đủ điều kiện, cơ sở để kiểm tra kỹ thuật máy bay, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đậu lại qua đêm, tổ chức lưu trú cho phi hành đoàn).
Theo hồ sơ dự án, VietBamboo Airlines có vốn điều lệ 700 tỉ đồng (mức vốn đủ điều kiện khai thác đường bay quốc tế) hoạt động theo mô hình hãng hàng không mới, có sự kết hợp giữa dịch vụ hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp.
Dự kiến năm 2019, hãng sẽ đi vào khai thác các đường bay nội địa có tầm bay 1,5 giờ – 2 giờ bằng máy bay thân hẹp một lối đi A320/321 của nhà sản xuất máy bay Châu Âu Airbus. Mạng bay của hãng tại nội địa sẽ hướng đến các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của FLC, đến năm 2023 khai thác 24 đường bay nội địa. Tại thị trường quốc tế, hãng có kế hoạch khai thác 16 đường bay giữa Việt Nam với một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… VietBamboo Airlines đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, qua thời gian lỗ kế hoạch sẽ hoạt động có lãi, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 52 triệu USD.
Trước đó vào tháng 6-2017, VietBambooAirlines đã nộp hồ sơ lên Cục Hàng không Việt Nam xin cấp Giấy phép vận chuyển hàng không. Theo Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, doanh nghiệp phải có số tiền tương đương với vốn điều lệ được phong toả tại tài khoản ngân hàng mới đáp ứng được yêu cầu, thủ tục về hồ sơ cấp phép kinh doanh vận tải hàng không. Tuy nhiên hồ sơ của VietBambooAirlines còn thiếu văn bản xác nhận vốn góp 700 tỉ đồng và đến nay vẫn chưa bổ sung.
Song song với việc nộp hồ sơ lên Cục Hàng không để xin cấp phép bay, theo Luật đầu tư, VietBambooAirlines cũng phải nộp hồ sơ xin cấp phép đến cơ quan đăng ký đầu tư để cơ quan này gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định.