Hai tuần tồi tệ ở Nhà Trắng và trật tự thế giới mới dưới thời Tổng thống Trump

Trong nhiều năm liền, tư tưởng Mỹ là “mối đe doạ tới hoà bình thế giới” luôn nằm trong nội dung tuyên truyền của Nga và Iran. Với những tín đồ của liên minh phương Tây, thật khó có thể chấp nhận rằng bóng dáng của tư tưởng này đang xuất hiện ở thời điểm hiện tại, dưới chính quyền Trump.

Ông Trump đã đe doạ tấn công hạt nhân ở Triều Tiên, ám chỉ sử dụng hành động quân sự tại Venezuela và khiến công chúng giận dữ khi không chỉ rõ nhóm ủng hộ thuyết da trắng ưu việt là nguyên nhân gây ra cuộc bạo loạn ở bang Virginia. Dường như, ông Trump đang đi ngược lại phong cách lãnh đạo ổn định, dễ đoán và bình tĩnh mà các đồng minh của nước Mỹ luôn mong đợi.

Trước hành động đe doạ tấn công hạt nhân của Triều Tiên, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố khá nóng nảy có khả năng kích thích căng thẳng trong chính quyền Kim Jong Un leo thang, có thể dẫn đến quyết định phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. Hơn thế nữa, chính quyền Trump còn có ý định tấn công phủ đầu Triều Tiên với luận điểm không thể ngăn cản Kim Jong Un, người đang nắm giữ nhiều mã hạt nhân. Tất cả các cựu tổng thống Mỹ trước đây đều nói “không” với ý tưởng tấn công phủ đầu các nước có vũ khí hạt nhân.

Quốc hội đình trệ. Nhà Trắng ngập trong các toan tính và những quyết định sa thải nhân viên mà mới nhất là sự ra đi của Steve Bannon – người từng là “kiến trúc sư trưởng” thiết kế chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump năm ngoái và kể từ đó vẫn giữ vai trò chiến lược gia trưởng. Ông Trump cũng phải giải tán 2 nhóm cố vấn sau khi một loạt CEO hàng đầu nước Mỹ quay lưng với ông.

Trước những khủng hoảng này, có khả năng Tổng thống Trump sẽ cố gắng tận dụng xung đột quốc tế nhằm “che đậy” những vấn đề trong nước. Chỉ trong tuần này, một cố vấn gây nhiều tranh cãi của Nhà Trắng, Sebastian Gorka, đã “lợi dụng” khủng hoảng Triều Tiên nhằm tạo áp lực cho giới chỉ trích tổng thống trong nước. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông phát biểu: “Trong khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta đã sát cánh cùng Kennedy. Tình hình hiện nay cũng tương tự như khủng hoảng tên lửa Cuba. Chúng ta cần đoàn kết với nhau.”

Tuy nhiên đó là 1 sự so sánh khập khiễng. Lịch sử cho thấy một chính phủ đang phải đối mặt với khủng hoảng trong nước thường có xu hướng mạo hiểm với các vấn đề quốc tế. Ví dụ, chính phủ Đức – nguyên nhân chính đẩy châu Âu vào thế chiến thứ nhất – đang phải đương đầu với nguy cơ nghiêm trọng từ những kẻ thù trong nước ở thời điểm đó. Tuy nhiên, trong ngày cuộc chiến nổ ra, hoàng đế Đức lại hân hoan phát biểu trước đám đông: “Tôi không còn nhận ra bất kỳ đảng phái hay bè cánh; ngày hôm nay, chúng ta đều là anh em một nhà”.

Khi phải chịu nhiều áp lực chính trị nghiêm trọng trong nước, nhiều nhà lãnh đạo cũng thường hành xử bất hợp lý. Trong bê bối Watergate, các thành viên trong nội các của Richard Nixon đã yêu cầu quân đội kiểm tra lại cùng họ trước khi thiết lập tấn công hạt nhân theo lệnh của tổng thống. Tuy nhiên, tới nay, không rõ là quan chức Mỹ nào lại có quyền bác bỏ quyết định của tổng thống nếu tổng thống đã quyết định tấn công hạt nhân.

Những người quan sát bên ngoài đều hi vọng những người còn lại trong chính quyền Trump sẽ giúp đỡ tổng thống. Tuy nhiên, trước công chúng, động thái ngăn cản từ Quốc hội và trong chính quyền trước những lời đe doạ khơi mào chiến tranh của ông Trump chưa đủ mạnh mẽ.

Ông McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, đã biện hộ cho hành động đe doạ của ông Trump trên truyền hình quốc gia. Trong khi đó, ông cũng đang phải hứng chịu sự công kích và chỉ trích từ phe da trắng theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ tổng thống do sa thải nhiều đồng minh của họ khỏi Uỷ ban An ninh Quốc gia.

Khi khủng hoảng Triều Tiên nổ ra, hashtag “Sack McMaster” (Sa thải McMaster) đã đứng đầu top tìm kiếm trên Twitter. Rõ ràng, đây không phải là một tình huống nên có tại Nhà Trắng khi một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm năng đang nhen nhóm tại Thái Bình Dương.

Người ta ngày càng nhìn thấy nhiều dấu hiệu cho 1 cuộc khủng hoảng lớn hơn trong xã hội Mỹ. Ngay cả khi ông Trump rời Phòng Bầu dục, khủng hoảng này vẫn sẽ tồn tại. Đời sống của người dân Mỹ không tốt lên và làn sóng di cư đe doạ vị thế của người Mỹ da trắng sẽ khiến nhiều cử tri từng bỏ phiếu cho ông Trump nổi giận.

Những biến động xã hội và kinh tế cùng lo ngại về khủng hoảng quốc tế liên quan tới việc sử dụng súng và quân đội chính là công thức cho một nước Mỹ trở thành mối đe dọa đối với trật tự thế giới.

48 giờ gay cấn trước cuộc chia tay giữa Tổng thống Trump và những CEO hàng đầu nước Mỹ

Bài viết mới