Kỳ 1: Đốm lửa chờ bùng cháy
Kỳ 2: Hiểm họa rình rập Facebook vì khát vọng bá quyền ngành công nghiệp tin tức
Kỳ 3: Tin tức giả mạo làm rúng động thế giới, Facebook bị “đánh hội đồng”
Kỳ 4: Vì tiền, Facebook bỏ mặc tin tức giả mạo lộng hành
Kỳ 5: Ân hận muộn màng
Sự hiện diện của người Nga tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự với Facebook. Người ta cho rằng người Nga chi hàng triệu USD để mua quảng cáo Facebook nhưng theo nền tảng này, số tiền thực tế ở mức thấp hơn 6 con số. Tuy nhiên, sự chênh lệch quá lớn làm dấy lên yêu cầu Facebook cần công khai doanh thu quảng cáo và cung cấp thông tin khi cơ quan lập pháp Mỹ yêu cầu.
Tới tháng 9/2017, Facebook ra thông báo không chính thức dưới cái tên Stamos, tiết lộ rằng người Nga đã trả 99.000 USD cho khoảng 3.000 quảng cáo nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng. Số lượng quảng cáo ít ỏi cùng khoản chi phí nhỏ dường như làm vơi trách nhiệm của Facebook. Tuy nhiên, nó không làm hài lòng công chúng, nhất là khi Facebook không chính thức công bố bất cứ tài liệu nào.
Tuy nhiên, Jonathan Albright, một chuyên gia về dữ liệu báo chí, đã phát hiện những con số đáng kể khi theo dõi những thông tin sai lệch liên quan tới bầu của Tổng thống Mỹ. Bằng việc đào sâu vào CrowdTangle, một trong những nền tảng phân tích mà Facebook sử dụng, Albright phát hiện dữ liệu từ 6 tài khoản mà Facebook đóng cửa vẫn nằm ở đó. Nó chỉ bị đóng băng.
Albright tìm thấy những bài viết đầy tính chia rẽ, đòi tách Texas khỏi nước Mỹ hay kêu gọi cử tri tránh xa bà Clinton và bỏ phiếu cho Jill Stein (ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Xanh). 500 bài đăng gần nhất từ 6 tài khoản này nhận được 340 triệu lượt chia sẻ, một con số khổng lồ. Những thông tin này được Albright chia sẻ với DiResta, thành viên bộ ba phản đối Facebook do nhà đầu tư thiên thần McNamee dẫn đầu.
Trong tháng 7, McNamee và Harris, hai thành viên còn lại của bộ 3 chống Facebook, đã lần đầu tiên đến Washington D.C để gặp gỡ các thành viên Quốc hội. Sau đó, vào tháng 9, họ dành toàn bộ thời gian để tư vấn cho các thượng nghị sĩ, người đại diện và những người dưới quyền về những bê bối của Facebook. Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng tổ chức phiên điều trần liên quan tới việc người Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ dưới sự trợ giúp của McNamee, Harris và DiResta.
Cố vấn Colin Stretch từ Facebook có mặt trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ.
Một trong những câu hỏi đầu tiên được cân nhắc là ai nên được triệu tập tới phiên điều trần. Harris đề nghị đối tượng là CEO của những công ty công nghệ lớn. Tuy nhiên, cuối cùng sự lựa chọn là các cố vấn của Facebook, Twitter và Google.
Vào ngày 1/11/2017, Cố vấn Colin Stretch từ Facebook có mặt trong phiên điều trần. Trước câu hỏi Facebook có chính sách cấm các chính phủ nước ngoài tác động tới bầu cử thông qua nền tảng này hay liệu Facebook có thông báo cho người dùng khi họ đang nhìn thấy những quảng cáo không xác thực, câu trả lời từ đại diện của Facebook là “không”.
Không chỉ lép vế hoàn toàn trước những câu hỏi của đoàn chủ tọa, Facebook còn gánh chịu những tổn thất lớn khi nhận những bình luận từ họ. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein nhấn mạnh: “Các anh đã tạo ra nền tảng này và bây giờ, nó đang bị lạm dụng. Các anh cần làm điều gì đó để ngăn chặn nó hoặc chúng tôi sẽ làm”.
Sóng gió chưa dừng lại với Facebook. Sau phiên điều trần, các cựu lãnh đạo của Facebook cũng bắt đầu công khai chỉ trích nền tảng mạng xã hội này. Ngày 8/11, tỷ phú Sean Parker, Chủ tịch đầu tiên của Facebook, tỏ ra hối tiếc vì đã góp phần giúp mạng xã hội này gây ảnh hưởng với cả thế giới. “Tôi không biết mình có hiểu những gì tôi đang nói hay không như chỉ Chúa mới biết Facebook đang làm gì cái đầu những đứa trẻ của chúng ta”, Parker chỉ trích.
11 ngày sau, cựu quản lý quyền riêng tư của Facebook, Sandy Parakilas xuất hiện trên tờ New York Times và kêu gọi chính phủ Mỹ chỉnh đốn Facebook. “Công ty đó sẽ không tự giác bảo vệ chúng ta trong khi nền dân chủ đang bị đe dọa nghiêm trọng nhất”, Parakilas nói.
Ngày phiên điều trần diễn ra cũng là ngày ông chủ Facebook thông báo mức doanh thu quý 3. Con số khá ấn tượng nhưng tâm trạng của Mark hoàn toàn ngược lại. Thông thường, thông báo này có thể làm người ta háo hức tới mất ăn mất ngủ nhưng năm nay, Mar có một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với triển vọng lạc quan hàng năm.
“Tôi phải nói cho các nhân viên Facebook biết mình buồn như thế nào khi người Nga lợi dụng nền tảng của chúng ta như một công cụ cho mục đích của họ. Chúng ta xây dựng một nền tảng nhằm kết nối và đưa mọi người đến gần nhau hơn nhưng họ sử dụng nó để làm suy yếu các giá trị của chúng ta. Tôi sẽ không để cho họ tiếp tục làm những điều sai trái đó”, Mark nhấn mạnh.
Theo Mark, Facebook sẽ đầu tư mạnh về an ninh. Kiến tiền không còn là mục tiêu chính. Thay vào đó, bảo vệ cộng đồng là mục tiêu quan trọng hơn tối đa hóa lợi nhuận.
Những hành động này cho thấy dường như Zuckerberg đã biết lắng nghe những lời chỉ trích. Facebook cũng làm những việc cho thấy nền tảng này có trách nhiệm của một nhà xuất bản thay vì những gì trước nay họ vẫn rao giảng – một công ty công nghệ. Phía Facebook cũng tôn trọng các nhà xuất bản hơn thay vì buộc họ chạy theo mình trong khi nắm tất cả lợi ích.
Một tuần trước Lễ tạ ơn năm 2017, Zuckerberg đã tổ chức cuộc họp quý bên trong một khuôn viên ngoài trời của Facebook. Tại đây, nhà sáng lập thừa nhận Facebook vừa trải qua một năm khó khăn nhưng mạng xã hội này vẫn may mắn khi là một phần quen thuộc của hàng tỷ người. “Đó là một đặc ân và nó đặt trách nhiệm to lớn lên vai tất cả chúng ta”, Zuckerberg nhấn mạnh.
Những người tham dự buổi họp tin rằng đây là bài phát biểu thực lòng và đậm tính cá nhân nhất của Zuckerberg. Nhà sáng lập nền tảng có hàng tỷ người dùng tỏ ra khiêm tốn, thậm chí có một chút ân hận và hối lỗi. “Tôi không nghĩ anh ấy ngủ ngon mỗi đêm. Tôi nghĩ Zuckerberg đã rất hối hận vì những gì đã xảy ra”, một nhân viên giấu tên của Facebook nhận định.
Ngày 4/1/2018, Zuckerberg thông báo những thử thách với bản thân mà anh cần vượt qua trong năm 2018, điều quen thuộc trong 9 năm qua. Tuy nhiên, nhà sáng lập cũng nhấn mạnh: “Bầu không khí lo lắng và chia rẽ đang bao trùm Facebook và họ có nhiều việc phải làm như bảo vệ cộng đồng khỏi sự lạm dụng và thù ghét, ngăn chặn sự can thiệp của các quốc gia hay đảm bảo thời gian sử dụng Facebook của người dùng sẽ không bị lãng phí.
Một trong những thay đổi lớn mà Zuckerberg nhắc tới là điều chỉnh thuật toán để News Feed tăng cường hiển thị “những điều có ý nghĩa”. Những bất đồng và khác biệt với ngành xuất bản cũng sẽ được Facebook nỗ lực cải thiện và hàn gắn dù chưa phương án khả quan nào được các bên tìm ra.
Theo Trí Thức Trẻ4/3/2018