Theo Phó Chủ tịch tỉnh, sự mất mát, thiệt hại của người dân vùng bão là vô cùng nặng nề. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở kinh doanh đã tự ý nâng giá, phá vỡ sự bình ổn giá cả của thị trường trong tỉnh, nhất là việc lợi dụng người dân vùng bão lúc khó khăn để “chặt chém” đó là điều không thể được.
“Sau khi nhận được phản ảnh từ người dân, báo chí đưa tin, các cấp ngành đã vào cuộc, ngăn chặn, không để tình trạng tăng giá, móc túi dân nghèo dân nghèo sau bão. Bình ổn giá cả thị trường sau bão số 10 là cấp thiết, tạo điều kiện cho người dân khắc phục thiệt hại – Phó chủ tịch Thắng nhấn mạnh.
Phó chủ tịch cũng chỉ đạo: “Để mạnh tay với các cửa hàng tăng giá, ngoài việc xử phạt hành chính thì sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa các cửa hoàng, doanh nghiệp ngang nhiên tăng giá sau bão”.
Cũng trong sáng 19/9, trao đổi với PV Báo Infonet Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cũng cho biết: Sau khi đi kiểm tra khắc phục hậu quả cơn bão số 10 tại các địa phương, có tình trạng một số tư thương lợi dụng nâng giá các mặt hàng. Tôi đã chỉ đạo, các cấp ủy tại các địa phương, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, tuyệt đối không để tình trạng lợi dụng bão số 10 để nâng giá, nhất là vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm… Đồng thời chỉ đạo bảo đảm cung cấp đủ số lượng chất lượng nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Còn về Quản lý thị trường, đơn vị trực tiếp kiểm tra, đôn đốc bình ổn giá cũng khẳng định: “Nếu có việc đơn vị nào tự ý nâng giá vật liệu xây dựng sau bão số 10, sẽ rút giấy phép” – ông Nguyễn Cự Dũng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Tĩnh nói.
Ông Dũng cũng cho biết: Sau khi phát hiện nhiều đơn vị kinh doanh tự ý tăng giá vật liệu nhất là tôn, thép, ngói… Chi cục đã chỉ đạo quyết liệt, tăng cường lực lượng, cho anh em trực tiếp rà soát, kiểm tra lại tất cả giá các mặt hàng kinh doanh trên toàn tỉnh. Cái cần thiết nhất sau bão là bình ổn giá, phục vụ bà con sau bão.
“Đúng là có hiện tượng giá bán, đặc biệt là đối với giá VLXD, nhưng mức tăng không cao. Nếu có việc đơn vị kinh doanh tăng giá, sẽ rút giấy phép hoạt động” – ông Dũng nhấn mạnh.
Vì vậy, mọi thông tin người dân muốn phản ánh, hãy gọi theo đường dây nóng 02393.950.789. Điều này, giúp đơn vị kịp thời xử lí các cơ sở tăng giá, móc túi người dân.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng tài chính thị xã Kỳ Anh cho biết: Từ ngày 17/9 đến nay thị xã đã thành lập nhiều đoàn liên ngành gồm: Công an, quản lý thị trường chi cục thuế, phòng tài chính kế hoạch, chính quyền địa phương đi kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh, yêu cầu các đơn vị bán đúng giá và có niêm yết giá cả. Bên cạnh đó, lập đường dây nóng để nhận phản ánh của người dân về việc tăng giá vật liệu xây dựng. Nếu các cơ sở vi phạm, sẽ có chế tài xử lý nghiêm, đóng cửa và rút giấy phép kinh doanh.
Trước Báo Infonet có bài phản ánh trong bài “Hà Tĩnh: Sau bão, giá tôn, ngói, thép… gấp đôi, gấp ba vẫn cháy hàng” về việc, sau bão số 10 đi qua, để lại nhiều mất mát, tổn thất về tài sản. Hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng, tốc mái… lợi dụng sự khốn đốn sau mưa bão, nhiều đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tự “đẩy” giá lên gây khó dễ cho người dân. Giá cả tăng gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần nhưng mặt hàng vẫn “cháy”.