Xây thêm cầu vượt sông Hồng, sông Đuống
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô để triển khai dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh. Trong hàng loạt dự án về giao thông, về môi trường, Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhiều cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô đồng thời kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đầu tiên là dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có quy mô đầu tư cầu dài 3km, đường 9km. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021. Dự kiến quỹ đất thanh toán mà phía Hà Nội đưa ra đối ứng với nhà đầu tư là quỹ đất tại ô quy hoạch 4-5, phân khu N9 xã Yên Thường, huyện Gia Lâm rộng 96ha.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 dài 0,5km và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 4,2km có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.
Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, Vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) có chiều dài đầu tư 5,4km đi qua các quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021. Dự kiến quỹ đất thanh toán là ô quy hoạch 5-4 và 7-2 N9 tại xã Đình Xuyên, Phù Đổng huyện Gia Lâm với trên 62,30 ha.
Đặc biệt, Hà Nội đề nghị cho chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Theo kế hoạch dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2, gọi tắt cầu Vĩnh Tuy 2-PV) có chiều dài khoảng 3.504m, bề rộng 19,2m; tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; hoàn thành trong giai đoạn 2013 – 2015.
Tuy nhiên, dự án đã phải đình giãn, hoãn tiến độ thực hiện với lý do thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Mặt khác, Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy) theo quy hoạch bao gồm cả mở rộng mặt cắt dưới đất và xây dựng đường trên cao.
Vì vậy, Hà Nội đã xác định dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020; chấp thuận cho điều chỉnh hình thức đầu tư theo hợp đồng BT. Do tính cấp thiết của dự án, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư – PPP, hợp đồng BT.
Được biết, cơ quan lập dự án cũng đã đề xuất sử dụng quỹ đất đối ứng còn dư của dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức BT bao gồm khai thác quỹ đất 34ha tại xã Dương Xá và 78,4ha tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với quy mô diện tích khoảng 320ha; quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135ha ngoài bãi sông Hồng…
Đổi gần 600 ha đất lấy 3km cầu vượt sông
Trong các dự án cầu vượt sông Hồng, sông Đuống mà UBND thành phố Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư đáng chú ý có dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng. Cụ thể, dự án cầu Trần Hưng Đạo dài 3km mặt ngang 20m với tổng số tiền đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019.
Điều đáng nói với 3km cầu này, dự kiến nhà đầu tư dự án sẽ được khai thác quỹ đất tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) với 34ha; quỹ đất tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) 78,4ha; quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với 320ha và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước khoảng 135ha. Có nghĩa tổng quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư đối với dự án xây cầu này là khoảng gần 600 ha đất.
Giải thích lý do áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án cầu Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, dự án sẽ kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông thành phố. Giảm tải áp lực giao thông cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Trước đây, một dự án hầm vượt sông Hồng có chiều dài khoảng 3km tính cả đường nối hai bờ (trong đó chiều dài vượt sông khoảng 1km), 4 làn xe, rộng khoảng 18 – 20m được nhà đầu tư đề xuất với Hà Nội đã gây nhiều tranh cãi. Vị trí dự kiến xây dựng tại cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (gần Bến xe Lương Yên), vượt sông Hồng, kết nối với mạng lưới giao thông phía quận Long Biên. Tuy nhiên, đã có nhiều bày tỏ băn khoăn bởi khoảng cách giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy là khá gần (khoảng 2,5 km), chưa kể cầu Thanh Trì cũng nằm gần đó.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đường Trần Hưng Đạo hiện nay chỉ là đường giao thông nội đô lưu lượng giao thông qua đây không nhiều, chỉ có những phương tiện giao thông công cộng và cá nhân loại nhỏ di chuyển vì vậy việc xây hầm đường bộ hay cầu ở vị trí này là không cần thiết.
Thành phố Hà Nội lý giải về việc đề xuất cơ chế đặc thù là theo quy định hiện hành, việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án PPP phải thực hiện nhiều trình tự thủ tục, thời gian thực thi kéo dài, đặc biệt là thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đối với một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tác động lớn đến phát triển tế – xã hội, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông của Thủ đô cần triển khai sớm, nếu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tiến độ.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư PPP (BT hoặc BOT). Thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng để đảm bảo đủ đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.
8.700 tỉ dời cảng Tân Thuận và xây cầu Thủ Thiêm 4