GS Võ Đại Lược: Tiền không phải là tất cả, cơ chế đặc thù mới là quan trọng

Nợ công Việt Nam đang dần chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách khá lớn, liệu đây có phải là bài toán đặt ra đối với việc đầu tư các dự án hạ tầng vốn có trị giá hàng chục tỷ USD tại các đặc khu kinh tế?

Đối với các đặc khu, Chính phủ chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng ở vòng ngoài như điện, đường,… bên trong đã có các nhà đầu tư lo. Theo tôi được biết, một tập đoàn tài chính đã đề nghị tự họ sẽ xây dựng sân bay quốc tế 5 sao, hiện đại nhất châu Á. Tôi cho rằng chỉ cần thể chế tốt, thì mình không phải làm, như vậy chi phí đầu tư công không quá lớn.

Còn thách thức về việc dung hoà lợi ích giữa các địa phương, vì bên cạnh 3 địa phương được chọn để thí điểm SEZ, nhiều tỉnh thành khác như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đang đòi hỏi có những chính sách đặc thù?

Dubai có 2,2 triệu dân nhưng có đến 20 khu kinh tế tự do với các thể chế khác nhau. Khu kinh tế đô thị tài chính thì khác hẳn với khu phát triển công nghiệp hay mua sắm. Thể chế từng khu là riêng biệt.

Tôi cho rằng Việt Nam đến nay về thể chế có một nhược điểm là để cho những khu đô thị lớn nhất cả nước như TP. HCM hay Hà Nội có cơ chế không khác bao nhiêu với Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Vậy là vô lý, thể chế phải phù hợp với trình độ phát triển. Việc TP. HCM hay Hà Nội muốn có cơ chế đặc thù là đúng, tuy nhiên, cách tiếp cận của họ chưa chuẩn.

Cụ thể, đến nay những thành phố này đề nghị đang dừng ở việc muốn giữ lại ngân sách cho địa phương nhiều hơn, chưa đề cập đến thể chế. Tiền không phải là tất cả, cơ chế đặc thù mới là quan trọng, nếu đưa ra được cơ chế hợp lý thì có thể Trung ương sẽ chấp thuận.

Nhiều năm trước khi có dịp sang Thâm Quyến nói chuyện cùng những người đầu tiên xây dựng đặc khu này, họ cho biết Chủ tịch Đặng Tiểu Bình chỉ cho 21 triệu USD để làm, dĩ nhiên số tiền này hoàn toàn không đủ để xây dựng hạ tầng. Ông Bình thời điểm đấy bảo với nhóm xây dựng là: “Tôi cho các anh cơ chế, cơ chế đẻ ra tiền. Các anh cơ chế gì tôi cũng có thể xem xét, còn tiền thì Chính phủ không có”.

Họ kể thêm rằng khi sang gặp các tỷ phú Hong Kong thì được xác nhận điều ông Đặng Tiểu Bình nói là hoàn toàn đúng. Phương án đầu tiên của Thâm Quyến là đổi đất lấy hạ tầng.

Trở lại câu chuyện đặc khu kinh tế, theo ông, ở ba đặc khu kinh tế, nên có luật riêng hay luật chung?

Người ta muốn làm luật vừa chung vừa đặc thù. Tôi có kiến nghị là nên soạn một luật có tính chất chung cho đặc khu rồi mỗi đặc khu có một nghị định riêng. Tuy nhiên, tôi không biết đề xuất này có được chấp thuận hay không.

Khi xây dựng các đặc khu, Chính phủ cần phải chú trọng vấn đề gì?

Tôi cho rằng phải mời gọi được các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn của Âu – Mỹ đến làm nhà đầu tư chiến lược. Những tập đoàn này trên thực tế có tầm ảnh hưởng lớn với các nước. Và để tìm kiếm, kêu gọi họ, cần chính lãnh đạo Chính phủ thực hiện.

Thứ hai, khi có nhà đầu tư chiến lược, cần phải có thể chế tương ứng. Nghĩa là cho phép nhà đầu tư đề xuất, Chính phủ xem xét điều chỉnh, quyết định. Chú không phải chúng ta quyết định mọi cơ chế, chính sách.

Thứ ba, cần có tầm nhìn dài hại, nếu chỉ tính toán lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, phục vụ cho một nhóm nào đó thì sẽ thất bại.

Cảm ơn ông!

Đặc khu kinh tế Việt dự kiến còn 69 ngành kinh doanh có điều kiện

Bài viết mới