Thủ tục, giấy phép rườm rà
Cụ thể, các chủ thể chuẩn bị đầu tư nản lòng vì quy trình xin các loại thủ tục, giấy phép phức tạp mà tốn thời gian. Bộ máy Nhà nước hiện có 23.000 đầu mối có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ông Nguyễn Hùng Huế, nguyên Trưởng phòng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp, cho biết riêng về vấn đề đất đai, doanh nghiệp muốn xin đất trong khu công nghiệp hay khu chế xuất phải trải qua 17 thủ tục, kéo dài từ 155 – 340 ngày. Đối với đất đai bên ngoài, doanh nghiệp cần hoàn thiện 33 thủ tục và mất gần 2 năm.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế cũng khiến doanh nghiệp nhiều khi “tiến thoái lưỡng nan”. Ví dụ, Luật Đầu tư quy định chủ đầu tư không phải nộp quy định “Đánh giá tác động môi trường” trong khi Luật Bảo vệ môi trường lại bắt phải nộp. Các chính sách đối với doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân còn mang tính chất phân biệt, chưa tạo được sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Hàng trăm loại phí và lệ phí
Một rào cản khác là các khoản phí, chi phí mà doanh nghiệp phải đóng. Hiện tại có 280 loại phí và lệ phí bắt buộc, trong đó cấp huyện có quyền với 25 khoản phí và 16 khoản lệ phí. GS.TS Lê Du Phong, nguyên Quyền Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, lấy ví dụ đơn giản là con gà từ khi sinh ra đến khi bán ở chợ phải chịu 9 loại phí. Trong đó có phí kiểm dịch gà con mới nở, phí tiêu độc, phí khử trùng, phí lấy mẫu mới xét nghiệm, phí kiểm dịch, phí môi trường, phí kiểm soát giết mỏ, phí vận chuyển và phí môi trường tại chợ.
Trong kiểm tra chuyên ngành, chi phí rất cao trong một số ngành như y tế, nông nghiệp. VCCI cho biết hiện nay có khoảng trên dưới 300 văn bản điều chỉnh lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, khó khăn cho doanh nghiệp để tuân thủ và khó cho cả các cán bộ kiểm tra. Hiện còn gần 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, với khoảng 100.000 các loại hàng hóa xuất khẩu phải chịu kiểm tra như vậy.
Ngoài ra, một số loại phí và lệ phí quá cao, ví dụ chi phí cấp chứng chỉ nguồn gốc thuỷ sản khai thác để xuất khẩu, lên tới trên 700 triệu đồng cho 1.200 chứng chỉ đối với một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có quy mô vừa.
Phí và lệ phí quá nhiều là một nguyên nhân đẩy giá thành các sản phẩm lên cao, vì thế khó cạnh tranh. Trong báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018, Việt Nam xếp thứ 55 về năng lực cạnh tranh. Mặc dù đã tăng 1 bậc so với năm 2016, tăng 5 bậc so với 5 năm trước nhưng Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực (Malaysia xếp thứ 23, Thái Lan xếp thứ 32 và Indonesia xếp thứ 36). Chi phí kiểm tra chuyên ngành cao khiến chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam cao hơn Singapore gấp 4 lần.
Các khoản phí đó chưa bao gồm chi phí “bôi trơn”, các khoản chi phi chính thức. 66% doanh nghiệp tốp giữa cho biết họ phải chi cho các chi phí không chính thức.
Theo VCCI, các doanh nghiệp còn chịu kiểm tra từ nhiều cơ quan từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ quan thuế, cảnh sát môi trường… Năm 2016 có 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra 4 lần trở lên. Hơn nữa, nội dung kiểm tra của các cơ quan này không khác nhau nhiều.
“Với cơ chế này, người sản xuất phải tìm cách trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái… Nói chung người ta lách được cái gì thì người ta lách”, ông Phong cho biết.
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá những vấn đề còn tồn tại về thể chế là hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.
PGS Chung cho rằng mục đích cuối cùng sâu xa nhất của thể chế là làm sao khiến con người hành động cho lợi ích cá nhân mình mà đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Một thể chế tốt cần tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng và lành mạnh cho các doanh nghiệp, không phân biệt lĩnh vực hoạt động hay chủ sở hữu.