GS Nguyễn Anh Trí: Hình ảnh mọi người chia tay “là chính xác, không phải dàn cảnh”

Chiều tối 3/10, GS Nguyễn Anh Trí , nguyên Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương đã có buổi gặp mặt với báo chí.

Chia sẻ về những hình ảnh chia tay về hưu của mình, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho rằng, nó đã gây ra “bão mạng” nhưng cá nhân ông mong muốn mọi người làm “bớt” đi việc này.

Đã quý tôi, yêu tôi, thương tôi thì hãy để mọi việc trở lại đúng mức. Trong cuộc sống tôi quý sự đúng mực với gia đình, anh em, bạn bè“, GS Trí nêu.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, hiện tượng ông về hưu, việc cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, học trò chia tay như vậy cũng “hết sức vinh dự, cảm động nhưng không ngạc nhiên lắm”.

Bởi trên thực tế, ở Viện chúng tôi vẫn đối xử với nhau như vậy. Tôi đã được bạn bè, đồng nghiệp, anh em, bệnh nhân, học trò đối xử như vậy nhưng chẳng qua chưa có dịp tập trung được.

Tôi cam đoan những dịp Tết, sinh nhật tôi, đặc biệt ngày thầy giáo, y tế thì mọi người đều có lời chúc mừng, tập trung nhưng ngày này thì mới được như vậy. Đây không phải hiện tượng lạ gì“, GS Trí tâm sự.

GS cũng kể lại câu chuyện về người lái xe trước khi ông nghỉ hưu một tháng, lúc nào chở ông cũng rơm rớm nước mắt và sau khi ông nghỉ chính thức đã nhắn tin bày tỏ mong muốn được khóc thật thoải mái để ngày mai nhẹ lòng làm việc.

Cùng với đó, cô Hoàng Thanh Nga, Phó trưởng khoa của Viện cũng đã viết cho ông email bảo thầy ơi, cả viện, nhân viên, bệnh nhân đều bị “đau mắt đỏ, không làm việc được” và trời buồn vì sau khi tôi đi đều mưa.

“Cũng phải nói luôn việc đưa lên mạng các thông tin, hình ảnh chia tay tôi của anh em, nhân viên, học trò, bệnh nhân là rất chính xác, đây không phải dàn cảnh bởi, người ta có thể yêu cầu anh em dàn hàng, vỗ tay nhưng không thể yêu cầu ai khóc được và thực tế, mắt ai ở đây cũng đã đỏ.

Thực sự với những gì mọi người dành cho thì bản thân tôi rất vui, rất vinh dự nhưng cũng rất buồn“, Giáo sư Trí bày tỏ.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Xuân Hoàng.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Xuân Hoàng.

Sau khi nghỉ hưu đến nay, cuộc sống của ông đã có những thay đổi như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Tôi không phải nghỉ 4 ngày mà nghỉ 14 ngày và có quá nhiều thay đổi vì nó chống chếnh, chao đảo khi mà chỉ độ 10 – 15 giây lại có tin nhắn từ Facebook, Zalo, Email… chia sẻ của mọi người.

Các kế hoạch của tôi cũng đang bị đảo lộn. Sau khi nghỉ xong, tôi quyết định phải lên Hòa Bình có công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam và dự định nghỉ ngơi vài hôm nhưng lại về đây để trao đổi với mọi người.

Ông có thể chia sẻ thêm về cảm xúc của mình từ ngày về hưu?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Trước và ngày về hưu cảm xúc rất buồn, trống vắng… vì tôi rất thương yêu và tôi biết, anh em trong đơn vị cũng rất thương yêu tôi.

Tôi rất buồn vì từ nay trở đi mình phải rời xa đơn vị, tập thể đầy tình người, đồng lòng, đoàn kết mà tôi rất yêu. Tập thể đó không phải tôi là lãnh đạo, giảng dạy cấp lương cho họ mà họ đã giúp tôi có thành công của cuộc đời.

Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà tất cả cán bộ nhân viên, học trò đều như vậy.

Nhưng bên cạnh đó, một là cảm xúc rất mạnh mà trong bài phát biểu để từ nhiệm, tôi đã nói là tôi mãn nguyện với tất cả, với những điều mình làm được và với giá trị mà tập thể đạt được trong thời gian tôi làm được.

Như vậy, bên cạnh nỗi buồn thì cảm xúc rất tự hào, sung sướng và đan xen nhau.

GS Trí dự định sẽ làm công việc nghiên cứu, thiện nguyện sau khi về hưu. Ảnh: Xuân Hoàng

GS Trí dự định sẽ làm công việc nghiên cứu, thiện nguyện sau khi về hưu. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhiều người bày tỏ tiếc và cho rằng, tại sao một người tâm huyết, có chuyên môn giỏi, tài đức, như Giáo sư lại không đề nghị các cơ quan chức năng để tiếp tục làm việc, công tác, quản lý?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Tôi thôi chức Viện trưởng tức là thôi vai trò quản lý thì rất nhiều ý kiến bày tỏ tiếc nuối, kể cả học trò, bệnh nhân, nhân viên và nhiều người khác.

Thậm chí, có người còn đề nghị thế này, thế nọ, trách tôi sao không xin ở lại thêm để phục vụ đất nước… hay các cơ quan quản lý không để tôi làm thêm nhưng tôi cũng muốn mọi người chia sẻ và hiểu rõ, đây chỉ là những ý kiến của riêng họ. Tôi tôn trọng các ý kiến đó.

Tuy nhiên, tôi năm nay 60 tuổi và về hưu theo quy định của pháp luật, Nhà nước. Tôi rất vui vẻ, thoải mái chấp hành, vì, mình đã hoàn thành tốt công việc của mình như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế là Giáo sư Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tôi cho rằng, mọi người cũng đánh giá như vậy.

Thứ hai, tôi dù là ĐBQH, Giáo sư, bác sỹ, anh hùng lao động, công dân ưu tú… thì vẫn là một công dân, chưa nói tôi là ĐBQH, công dân thủ đô ưu tú thì phải gương mẫu và phải chấp hành quy định của Nhà nước.

Chấp hành ở đây, một cách thoải mái, vui vẻ. Quý trân trọng giá trị mình làm được trong thời gian qua chứ không phải để mình làm được như thế thì phải xin bằng được ở lại tiếp tục công tác, quản lý.

Một vị trí quản lý tốt nhất nên 2 nhiệm kỳ nếu anh thực sự cống hiến, giỏi thì đã đủ. Nếu có điều kiện tôi sẽ phát biểu trong Quốc hội.

Mọi người tiếc sao một người giỏi, tâm huyết sao không được tiếp tục làm việc thì tôi vẫn tiếp tục làm. Tôi là ĐBQH tự ứng cử và là người có trách nhiệm nên tham gia 2 năm nay, tôi thấy, để làm tốt trách nhiệm của ĐBQH là rất khó, đòi hỏi phải có thời gian, gia cố trí tuệ, suy nghĩ.

Bây giờ, khi về hưu sẽ là điều kiện rất tốt để tôi có thời gian làm tốt trách nhiệm ĐBQH, đọc, nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc với cử tri.

Ngoài ra, tôi sẽ làm các công việc liên quan đến nghiên cứu, thiện nguyện, giúp đỡ mọi người.

Viện trưởng Viện huyết học truyền máu trung ương nghỉ hưu, hàng trăm y bác sĩ, bệnh nhân xếp hàng chia tay trong nước mắt

Bài viết mới