Từ 2011 đến 2012, vai trò đại diện của Samsung đối với toàn bộ binh đoàn Android đã trở nên cực kỳ rõ ràng. Tham vọng của gã khổng lồ Hàn Quốc bắt đầu vượt ra khỏi Galaxy S và Galaxy Note: đã có lúc, các sự kiện Unpacked gần như bỏ qua hoàn toàn tên gọi “Android”, thay vào đó quảng bá cho “TouchWiz”. Samsung còn muốn tạo ra hệ điều hành riêng mang tên Tizen.
Đây cũng là lúc Google vừa mua lại Motorola với giá 12,5 tỷ USD. Mua lại người hùng di động một thời, Google không chỉ bảo vệ được Android trước 6.000 bằng sáng chế của liên minh Apple, Microsoft, BlackBerry và Sony mà còn giữ lại được lòng trung thành của đối tác số 1: với thỏa thuận hỗ trợ 17.000 bằng sáng chế từ Google/Motorola, Samsung có thể chống chọi tốt hơn trước những vụ kiện của Apple. Quả nhiên, sau này khoản tiền Samsung phải bồi thường cho Apple là rất nhỏ, câu chuyện bằng sáng chế dần dần đi vào dĩ vãng.
Cũng giống như BB10 và Windows Phone, tương lai của Tizen trên smartphone đã khép lại.
Và Tizen cũng chẳng thể bành trướng trên những chiếc Galaxy. Hệ điều hành của Samsung dần dần bị hạ cấp xuống phục vụ cho máy ảnh, smartwatch, TV và smartphone cấp thấp. Tính đến 2016, chiếc smartphone thứ 3 sử dụng Tizen mới ra mắt ở mức giá rẻ mạt và vi xử lý lõi tứ 1.5GHz dành cho thị trường Ấn Độ.
Android (không) thống trị
Đến 2016, vị thế của Android đã được xác lập tuyệt đối. Windows Phone đã chết, BB10 cũng đã trở thành dĩ vãng – ngay cả sau khi phải “mượn” kho app của Android. Cuộc đua hệ điều hành di động chỉ còn duy nhất 2 đối thủ, Android và iOS. Năm 2016, không còn ai dám nghĩ sẽ có một hệ điều hành thứ ba xuất hiện để cạnh tranh với Android.
Cũng trong năm 2016, Google tái bộc lộ tham vọng phần cứng khi ra mắt chiếc điện thoại Pixel ở mức giá 650 USD (cho bản 5 inch) và 750 USD (bản 5.5 inch). Pixel ra mắt vào thời điểm không thể hợp lý hơn: thị trường smartphone toàn cầu gần như không tăng trưởng; cuộc chiến chuyển hướng từ mua mới sang nâng cấp. Gã khổng lồ tìm kiếm mang tham vọng tận dụng nhu cầu đó bằng một chiếc Android “chính hiệu” Google.
Thị trường Android bão hòa là thời điểm tuyệt vời nhất để Google nhảy vào phân khúc cao cấp.
Đáng tiếc nỗ lực của Google đã không thể gây ảnh hưởng nhỏ tới vị trí thống trị của iPhone trên phân khúc cao cấp: dựa theo phỏng đoán về số lượt cài Pixel Launcher (vốn chỉ có mặt duy nhất trên Pixel), lượng điện thoại Google đã bán ra chỉ có thể nằm từ 1 đến 5 triệu máy. Trong cùng một khoảng thời gian, lượng iPhone 7 bán ra đạt đến 21,5 triệu máy.
Thị phần áp đảo của Android không đồng nghĩa với thế trận một chiều dành cho Google: nhờ nắm phân khúc cao cấp, Apple “ăn” tới 80, 90% lợi nhuận toàn bộ ngành phần cứng smartphone. Khoản tiền Google phải trả cho Apple để tiếp tục là bộ máy tìm kiếm mặc định trên iOS lên tới hàng tỷ USD; lợi nhuận từ App Store cao gần gấp đôi Play.
Lời giải: Không phải là Samsung
Nhiều hãng Android có thể tạo ra phần cứng ấn tượng, nhưng muốn áp đảo Apple thì Google phải kiểm soát 100% phần cứng và phần mềm.
Thế mạnh của Apple nằm cả ở 2 khía cạnh phần cứng và phần mềm. Táo Cắn Dở đã phát triển hệ điều hành được hàng chục năm trong khi Google mới chỉ có hơn 10 năm. Phần cứng của Táo đạt mức độ hoàn thiện cả về thiết kế, chất lượng gia công lẫn độ bền mà có lẽ chỉ có HTC, Samsung và Sony mới đạt được.
Muốn đánh bại Apple, Google sẽ buộc phải đi theo hướng tương tự. Cuộc so tài giữa Mac và Windows đã chứng minh rằng người dùng vẫn rất sẵn lòng bỏ tiền ra mua các loại phần cứng kết hợp nhuần nhuyễn với phần mềm. Một hệ điều hành như Android không thể là chìa khóa để vượt mặt Apple, ngay cả khi đã sở hữu phần cứng mạnh mẽ hơn nhiều lần.
Nhưng nếu Google nắm trong tay cả phần cứng lẫn phần mềm, các nhà sản xuất Android truyền thống sẽ có thêm một đối thủ mới, hùng mạnh hơn HTC rất nhiều: Google. HTC vốn đã có kinh nghiệm và thành tích làm phần cứng lâu năm, rơi vào thảm cảnh như ngày nay chỉ vì không biết làm marketing, không biết xây dựng chiến lược bán (loạn danh mục sản phẩm) và trên hết là vì không có tiền từ các mảng khác đổ sang – theo cách Samsung dùng bán dẫn và linh kiện để thoát khỏi thảm họa Note7 vào năm ngoái.
Google cần những tuyên ngôn ấn tượng hơn nữa.
Còn Android: dù về mặt lý thuyết là hệ điều hành mở, trải nghiệm không cập nhật và không mượt mà của các bản Android không bắt tay với Google như Fire OS hay các bản Android Trung Quốc cho thấy chú robot xanh vẫn thuộc quyền kiểm soát tuyệt đối của Google. Nắm trong tay một bộ phận phần cứng nghiêm túc, Google có thể tạo ra những chiếc điện thoại nhanh, mượt và giàu tính năng hơn cả Galaxy Note8, HTC H11, Sony XZ1, Essential Phone hay… Pixel 2.
Bộ máy marketing và “núi tiền” của Google sẽ biến chiếc điện thoại đó trở thành một thế lực mới của thị trường smartphone.
Apple thiệt hay Samsung thiệt?
Với iPhone 8, 2018 vẫn sẽ là năm của Apple.
Nhưng kể cả kịch bản đó cũng chưa đảm bảo rằng Apple sẽ là kẻ chịu thiệt nhiều nhất. Bên ngoài sự kết hợp nhuần nhuyễn của phần cứng và phần mềm, iPhone còn có nhiều thế mạnh khác, trong đó đáng chú ý nhất là khả năng trau chuốt trải nghiệm người dùng đến tuyệt đối.
Trên hết, fan Táo vốn có tỷ lệ trung thành lên tới 90%, một tỷ lệ mà không một nhà sản xuất nào khác đạt được. Điều này có nghĩa rằng nếu Google mua HTC, doanh số iPhone chưa chắc sẽ gặp ảnh hưởng đáng kể trong thời gian ngắn hạn. Trái lại, kẻ chịu thiệt nhiều nhất sẽ là Samsung và tất cả các nhà sản xuất Android khác: khi Pixel “60% Google” và Nexus “40% Google” đã có thể hút được sự chú ý của một lượng fan nhất định, chưa ai biết liệu một chiếc điện thoại “100% Google” sẽ tạo ra được sức hút lớn đến thế nào với các fan của Android.
Nếu thành công, một chiếc điện thoại “100% Google” sẽ ký giấy khai tử cho cả thế giới Android hiện nay. Một phần rất lớn Android lưu hành thuộc về các phân khúc cấp thấp và tầm trung, các phân khúc gần như không có lãi và thậm chí là “đốt tiền”. Hiểu rõ hiện trạng này, Samsung đã nhanh chóng tinh giản lực lượng khi ngừng tăng trưởng vào 2014, 2015. Sony cũng dần rời xa phân khúc cấp thấp để trở lại sinh lãi. Tại Trung Quốc, Huawei và Xiaomi tỏ ra thức thời khi bắt đầu mở rộng ra ngoài chiến lược “phá giá cấu hình” trước đây bằng các mẫu đầu bảng đắt đỏ.
Chắc chắn không một OEM nào muốn phải đối mặt với chính Google.
Việc phải cạnh tranh với chính ông chủ của Android trên phân khúc duy nhất có thể sinh lời chắc chắn sẽ khiến các OEM Android khốn đốn. Samsung có thể là tên tuổi duy nhất có thể trụ vững trước sự đả kích của Google, nhưng nguy cơ để mất vị thế “smartphone đại diện cho cả thị trường Android” vào tay Google vẫn là rất rõ ràng.
Khi Google mua HTC, Samsung và tất cả các OEM Android sẽ không được lợi gì cả. Nhưng họ sẽ làm gì? Chuyển sang sử dụng Tizen ư? Windows 10 Mobile? Quá muộn rồi: năm 2017, nếu muốn làm smartphone, bạn phải lựa chọn Android. Và bạn sẽ phải đối mặt với dã tâm bá chủ của chính cha đẻ Android.