TIN MỚI
Tất cả những gì ông Yoshihito Oonami muốn làm là nghỉ hưu và để cho cơ thể mệt mỏi của mình được nghỉ ngơi.
Thế nhưng, vào lúc 1h30 sáng mỗi ngày, người đàn ông 73 tuổi này lại phải thức dậy và lái xe 1 tiếng đồng hồ đến chợ nông sản tươi sống trên một hòn đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo. Ngoài công việc chất nấm, gừng, khoai lang, củ cải vào xe, ông còn phải bê những chiếc hộp nặng hơn 5kg khiến lưng ngày càng đau mỏi. Sau đó, ông Oonami lái xe khắp thủ đô của Nhật Bản, giao hàng cho các nhà hàng tới 10 lần một ngày.
“Miễn là cơ thể tôi còn chịu được thì tôi còn làm việc,” ông cụ nói khi đang kiểm tra các đơn đặt hàng.
Người cao tuổi xếp hàng nhận phiếu cứu trợ lương thực ở Hồng Kông. Châu Á đang chứng kiến làn sóng người già cần tiếp tục làm việc ở độ tuổi trên 65 để kiếm sống qua ngày. Ảnh: NYT
Bởi dân số trên khắp Đông Á đang giảm và ít người trẻ tuổi tham gia lực lượng lao động, ngày càng có nhiều người lao động như ông Oonami làm việc chăm chỉ ở độ tuổi 70 trở lên. Tuổi nghỉ hưu sớm đã làm tăng quỹ lương hưu, gây khó khăn cho các chính phủ ở châu Á trong việc trả đủ tiền cho người về hưu mỗi tháng để sinh sống.
Các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về một quả bom hẹn giờ sắp xảy ra ở các quốc gia giàu có trong nhiều năm. Nhưng đến giờ, Nhật Bản và các nước láng giềng mới bắt đầu cảm nhận được những tác động của quả bom ấy.
Các chính phủ, các công ty và hơn hết là những người lớn tuổi đang phải vật lộn với những hậu quả sâu rộng của một xã hội già hóa. Những thay đổi rõ rệt nhất mà người ta thấy được là ở nơi làm việc.
“Làm việc ở độ tuổi của mình chẳng vui chút nào. Nhưng tôi phải làm thế thì mới sống tiếp được,” ông nói.
Giờ đây, câu hỏi mà các quốc gia già hoá này đang phải tìm cách giải quyết chính là làm thế nào để thích nghi với tình hình mới, tìm ra tiềm năng của lực lượng lao động lớn tuổi và còn đảm bảo rằng những người đã về hưu rồi cũng không rơi vào cảnh nghèo đói.
Ở Đông Á, nơi dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhu cầu cấp thiết là phải linh hoạt hơn. Để thích ứng với sự thay đổi dân số, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã buộc phải thử nghiệm để thay đổi các chính sách, chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí.
Phần còn lại của thế giới cũng có khả năng sẽ “nếm trải” số phận như thế. Nhiều quốc gia có thể sẽ tìm đến châu Á để học các bài học về cách đối phó với các cuộc khủng hoảng tương tự.
Tạo việc làm chỉ tuyển người lớn tuổi
Rất lâu trước khi ông Oonami bắt đầu giao rau, ông đã thử làm việc trong văn phòng và làm tài xế taxi. Cuối cùng, ông thấy mình phù hợp để làm tài xế xe tải. Điều đó buộc ông phải làm việc theo hợp đồng lâu năm thay vì làm công việc suốt đời với mức lương đảm bảo, thăng chức thường xuyên và nhận được phúc lợi hưu trí của công ty.
Làm tài xế xe tải đồng nghĩa với việc thường phải khuân vác những hàng hoá nặng. Khi ông bước sang tuổi 50, bác sĩ nói rằng việc nâng quá nhiều đồ nặng đã làm mòn sụn ở cột sống của ông và khiến công việc này trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ông chuyển sang công việc giao hàng nhỏ hơn và ký hợp đồng tại chợ nông sản khoảng 15 năm trước. Tuy nhiên, ngay cả khi gần đến tuổi nghỉ hưu truyền thống của Nhật Bản là 60, ông Oonami vẫn không thể ngừng làm việc.
Sau khi giữ các hợp đồng làm việc trong toàn bộ sự nghiệp của mình, ông chỉ đủ điều kiện để nhận lương hưu cơ bản là khoảng 60.000 yên/tháng (477 USD). Số tiền đó không đủ để trang trải chi phí hàng ngày của ông cụ.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ nghèo ở người lớn tuổi gần 40%, 40% người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc. Ở đặc khu hành chính Hồng Kông, cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Tỷ lệ này là hơn một phần tư ở Nhật Bản – so với 18% ở Hoa Kỳ.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổ chức việc làm và nghiệp đoàn tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi này. Trong khi nhiều người trong số họ phải làm việc vì nhu cầu kinh tế, thì người sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào họ.
Để đối phó với cái mà các nhà nhân khẩu học gọi là “xã hội siêu già hóa”, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc cố gắng thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động.
Tuy nhiên, những biện pháp này không thay đổi được mấy xu hướng già hoá, vì tỷ lệ sinh đã giảm và nhiều quốc gia đã phản đối các kế hoạch nhập cư quy mô lớn.
Điều đó đã khiến các nhà tuyển dụng tuyệt vọng với người lao động. Ví dụ, tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian. Những người lớn tuổi đã đến và lấp đầy những khoảng trống ấy.
Một thành viên khách mời tại Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á Naohiro Ogawa cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều năng lực làm việc chưa được sử dụng và khai thác.”
Koureisha là một công ty tạm thời ở Tokyo. Nơi đây có danh sách công việc quy định rằng ứng viên phải từ 60 tuổi trở lên. Chủ tịch Fumio Murazeki cho biết ông tin rằng các nhà tuyển dụng đang ngày càng dễ dàng thuê những người lao động lớn tuổi hơn. Ông nói: “Những người trên 65 tuổi, thậm chí đến 75 tuổi, họ rất năng động và khỏe mạnh.”
Chính phủ Nhật Bản hiện còn cung cấp các khoản trợ cấp cho các công ty vừa và nhỏ lắp đặt chỗ ở cho người lao động lớn tuổi, chẳng hạn như thêm lan can trên cầu thang hoặc thêm khu vực nghỉ ngơi cho người lao động.
Tham khảo NYT
Quốc gia Đông Nam Á này đang nói không với sự sụp đổ của bất động sản
Minh Phương
Nhịp Sống Thị Trường