Ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh đáng kể triển vọng dầu thô trong năm 2018 và nói rằng họ đã đánh giá thấp tốc độ thắt chặt của thị trường. Hãng cũng điều chỉnh dự báo rằng giá Brent có thể đạt 82,50 USD/thùng vào mùa hè.
Có một vài lý do tại sao ngân hàng đầu tư này lại bất ngờ nâng dự báo cao hơn nhiều so với trước đó. Trước hết, lượng dầu tồn kho giảm nhanh hơn mong đợi do nhu cầu mạnh mẽ, sự tuân thủ cao của OPEC, bảo trì và giảm sản xuất từ Venezuela.
Ngân hàng này cho biết thêm những yếu tố ấy sẽ không biến mất trong tương lai gần, và sẽ tiếp tục làm thắt chặt thị trường.
Trong quý IV năm 2017, Goldman Sachs từng ước tính rằng thị trường dầu đang trong tình trạng thâm hụt nguồn cung khá lớn, khoảng 1,1 triệu thùng mỗi ngày. Điều đó đã khiến cho hàng tồn kho ở OECD giảm khoảng 105 triệu thùng. Những sự sụt giảm này đã khiến lượng tồn kho toàn cầu đạt mức trung bình 5 năm.
Một yếu tố bị bỏ qua mà làm tăng thêm trọng lượng cho việc đánh giá đó là thị trường dầu lớn hơn so với trước đây. Nhu cầu lớn hơn trước đây, và công suất kho chứa cũng vậy. Do đó, những gì cấu thành “sự cân bằng” cũng phải ở mức cao hơn. Hơn nữa, sản xuất mới từ đá phiến của Mỹ đòi hỏi phải xây dựng thêm nhiều đường ống.
Nhu cầu cũng đáng nhận được sự chú ý ở khắp mọi nơi. Goldman Sachs nói rằng tăng trưởng kinh tế tích cực hơn ở nhiều nơi trên thế giới, xảy ra đồng thời, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, sẽ giúp nhu cầu dầu tăng cao.
Quý IV có thể chứng kiến nhu cầu tăng thêm 2 triệu thùng/ngày so với năm trước, trong khi năm 2017 tăng 1,73 triệu thùng/ngày. Năm 2018, tăng trưởng nhu cầu dự kiến lên tới 1,86 triệu thùng/ngày, trước khi giảm xuống chỉ còn 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2019.
Trong khi đó, tình trạng thắt chặt của thị trường dầu đã làm cho đường cong tương lai rơi vào trạng thái backwardation, nghĩa là giao dịch kỳ hạn ngắn có mức giá cao hơn so với các hợp đồng giao sau. Backwardation mạnh mẽ hơn mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận thậm chí còn cao hơn khi họ tích trữ, cho phép họ duy trì hợp đồng trên cơ sở hàng tháng. Goldman Sachs cho biết các nhà đầu tư có thể có lợi tức 24% trong 6 tháng tới.
Về phần mình, OPEC cho biết tổ chức này có ý định duy trì việc cắt giảm này cho đến cuối năm 2018, nhưng Goldman Sachs cho rằng nhóm có khả năng sẽ vượt xa hơn, giảm lượng hàng tồn kho xuống dưới mức trung bình 5 năm vào quý thứ 3. Điều đó rốt cuộc có thể dẫn đến sự gia tăng dần trong sản lượng của OPEC và Nga trong nửa cuối năm.
Nhóm có thể sẽ cố gắng đi đến một số sự dàn xếp để tránh tăng sản lượng quá khích. Thêm vào đó, sự sụt giảm liên tục từ Venezuela sẽ làm giảm sản xuất ở những nơi khác. Nhìn chung, Goldman Sachs dự đoán OPEC và Nga sẽ thêm 315.000 thùng/ngày vào nửa cuối năm 2018 so với nửa đầu năm.
Goldman Sachs cảnh báo rằng dự báo cực kỳ lạc quan này là “chu kỳ”. Trong trung hạn, đá phiến của Mỹ sẽ tăng và OPEC sẽ từ bỏ việc cắt giảm sản lượng, làm dập tắt bất kỳ cơ hội giá cao hơn nào trên cơ sở bền vững. Ngân hàng đầu tư này vẫn dự đoán giá Brent vào khoảng 60 USD/thùng vào năm 2020.