Gợi mở mới cho doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam để tránh phụ thuộc thị trường truyền thống

Sáng ngày 5/7, đã diễn ra buổi Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, các nước Trung Đông – Châu Phi là những đối tác kinh tế hết sức quan trọng của Việt Nam.

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi, nông thủy sản luôn được coi là nhóm hàng quan trọng và có kim ngạch tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua.

Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Trung Đông đạt 824,1 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 131,2 triệu USD; xuất khẩu thủy sản sang khu vực Trung Đông đạt 254 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 95,2 triệu USD.

Đối với thị trường châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu nông sản nhiều tiềm năng sang châu Phi gồm gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa… Những thị trường xuất khẩu chính của nông sản có thể kể đến như Algérie, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana…

Mặt hàng thủy sản bao gồm cá tra, cá ba sa, tôm, cá ngừ đóng hộp có nhiều triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Ai Cập, Tunisia, Libi,…

Với thị trường Trung Đông, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng gồm có gạo, cà phê, chè, rau quả, hạt tiêu, hạt điều. Những thị trường xuất khẩu chính là Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Israel. Các mặt hàng thủy sản gồm có cá tra, cá ba sa được xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Saudi, UAE, Kuwait.

Theo ông Hưng, khu vực Trung Đông và châu Phi có nhu cầu lớn về hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản do điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, không có điều kiện nuôi trồng nông thủy sản đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước do đó đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

“Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm của các nước châu Phi là 38 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025. Với thị trường Trung Đông, năm 2017, nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Trung Đông đạt 43 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào năm 2025”.

Ông Hưng cho biết, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi – Trung Đông, mặt hàng gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục là hàng xuất khẩu chủ đạo trong thời gian tới.

“Việc tiếp cận thị trường Trung Đông – Châu Phi là giải pháp tốt cho việc tìm kiếm thị trường mới cho hàng nông, thủy sản, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Châu Phi là thị trường rộng lớn có nhu cầu nhập khẩu cao về các loại mặt hàng trong đó có hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa. Bên cạnh đó, mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam cũng đã tạo ra được chỗ đứng tại thị trường các nước khu vực Trung Đông – Châu Phi cần tiếp tục giữ vững và mở rộng trong tương lai”, ông nhấn mạnh.

Gợi mở mới cho doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam để tránh phụ thuộc thị trường truyền thống - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT phát biểu tại hội thảo.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT cho hay, trong thời gian vừa qua xuất khẩu Việt Nam sang Trung Đông có kim ngạch xuất khẩu rất là lớn.

“Trọng tâm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là mặt hàng thủy sản, hồ tiêu, gạo. Và tiềm năng sắp tới là các sản phẩm liên quan đến gia vị, hạt điều và đặc biệt là trái cây, nhất là trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây”.

Ông Công chia sẻ, có thể thấy rõ Trung Đông là thị trường tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu nông sản hàng hóa của Việt Nam cao. Hàng nông sản Việt Nam đã vào và hình thành thói quan hợp gu tại các thị trường này.

“Trong bối cảnh các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều cơ hội do nhu cầu nhập khẩu của khu vực này cao. Thị trường các nước Trung Đông có nhu cầu lớn với nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên…”, ông kết luận.

Nắng nóng kỷ lục, ngành dịch vụ kẻ khóc người cười

Bài viết mới