Theo nghiên cứu do Andrew Tilton, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Hồng Kông, dự luật thuế vừa được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua sẽ hỗ trợ các dự đoán của Goldman về tương lai kinh tế châu Á. Goldman Sachs cho rằng trong năm 2018 châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, lạm phát không còn ở mức thấp và hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ tăng lãi suất.
Theo Tilton, những sự kiện ngoài khu vực – đặc biệt là tại Mỹ – đang góp phần củng cố kịch bản tăng lạm phát. Kích thích tài khoá tác động tích cực đến tăng trưởng của kinh tế Mỹ, từ đó hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu tại châu Á về mặt lợi nhuận, nhưng sẽ gây ảnh hưởng cho Fed, và tác động tới lãi suất tại châu Á.
Bên cạnh tác động tới chính sách tiền tệ, dự luật thuế còn có thể thúc đẩy thêm hai chuyển biến nhỏ hơn. Nếu mức thuế các doanh nghiệp Mỹ phải chịu giảm từ 35% xuống còn 21%, tức Mỹ từ vị thế một trong những nước đánh thuế nặng nhất trở thành một trong những nền kinh tế lớn có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất, kịch bản một số hoạt động kinh tế dịch chuyển ra khỏi châu Á là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo Tilton, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực sẽ không quyết định rời đi chỉ vì chính sách thuế.
Thứ hai, xu hướng các doanh nghiệp Mỹ hồi hương lợi nhuận ở nước ngoài có thể là một nguy cơ đối với châu Á. Và phần lợi nhuận này sẽ không chỉ “thoát ly” khỏi châu Á, mà còn khỏi châu Âu và các thị trường mới nổi.
Ngoài dự luật thuế, còn nhiều nhân tố khác củng cố cho dự đoán của Goldman về viễn cảnh tăng trưởng ổn định, lạm phát tăng và bình thường hoá tiền tệ tại châu Á trong năm 2018. Tăng trưởng toàn khu vực ngày càng cao, và Ấn Độ đã sẵn sàng “tăng tốc” bởi tác động từ thất bại trung hạn do phi tiền tệ hoá và thuế hàng hoá và dịch vụ gây ra đã giảm dần.
Theo dữ liệu điều tra của Bloomberg, các dự đoán trên phù hợp với kịch bản mà phần lớn các nhà kinh tế học phác thảo cho các nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á. Hầu hết các nền kinh tế trong top sáu của khu vực sẽ duy trì đà tăng trưởng của năm 2017, dẫn đầu là Philippin và Việt Nam. Chí ít thì lạm phát giá tiêu dùng tại bốn trong số sáu nền kinh tế sẽ tăng nhẹ.
Theo Goldman, giá thực phẩm có thể tăng nhanh hơn trong năm 2018, khởi điểm tại một số quốc gia như Ấn Độ. Tăng trưởng nhanh tương đương với tiềm năng có thể thúc đẩy lạm phát ở các nền kinh tế như Philippin hay Malaysia.
Những biến chuyển về tăng trưởng và lạm phát này sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương tiến hành bình thường hoá chính sách tiền tệ đã chuyển sang chế độ nới lỏng kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tilton cho biết: “Ngoài các tác động từ chính sách của Mỹ và Trung Quốc, các ngân hàng trung ương trong khu vực có những lý do của riêng mình để tăng lãi suất.”