Tại Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra sáng nay (30/9), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có thế mạnh về chế biến hạt điều, chiếm trên 50% nguyên liệu hạt điều thế giới. Sự phát triển ngành điều giúp cải thiện đời sống cho một bộ phận nông dân vùng núi, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 3 tỷ USD góp phần cân đối ngoại tệ. Cùng với đó, trong quá trình phát triển, đội ngũ doanh nhân đã trưởng thành, nhiều doanh nghiệp hàng đầu phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, ngành điều Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của nguồn cung điều hàng năm chỉ đạt 3,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng 6%/năm. Như vậy, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng trong vài năm trở lại đây.
“Sự mất cân đối là vô lý. 10 năm gần đây, diện tích điều liên tục đi xuống, năng suất từ 1,1 tấn/ha có thời điểm giảm còn 0,75 tấn/ha, quy mô lớn mà chỉ tự chủ được trên 30%. Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay chúng ta không biết làm cho ngành điều hấp dẫn?”- bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng chỉ rõ, vấn đề mất cân đối cung- cầu gắn với thực trạng biến đổi khí hậu và nếu không có tổ chức tốt, không có sự vào cuộc từ Chính phủ, doanh nhân, người dân thì ngành điều sẽ đi xuống.
Theo Bộ trưởng, ngành điều Việt Nam còn cơ hội phát triển vì nhu cầu người dùng ngày một tăng và Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế để phát triển điều. Tuy nhiên, ngành điều đang đối mặt với 3 thách thức lớn: nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường. Nếu không đổi mới 3 khâu này thì dù có lợi thế, ngành điều vẫn suy giảm.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vào khâu sản xuất nguyên liệu. “Phải dồn toàn lực cho sản xuất nguyên liệu. Nút thắt ngành điều nằm ở đây. Chúng ta phải vào cuộc quyết liệt từ trung ương tới địa phương. Nếu không tập trung vào khâu này thì cả ngành điều sẽ khó phát triển”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, cần tập trung vào phát triển mô hình điều ngay lập tức. “Các tỉnh có điều về làm mô hình kiểu mẫu, đặc biệt là Bình Phước. Bình Phước dồn trọng điểm vào điều, coi điều là số 1 và có mô hình tương xứng”.
Bên cạnh đó, chú trọng vào các yếu tố như việc áp dụng khoa học, kĩ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu sản phẩm… Về quản lý nhà nước, cần rà soát tổng thể các dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công tác khuyến nông… trong phát triển ngành điều.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hải – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN có ý kiến thảo luận, để tháo gỡ khó khăn, tồn tại của ngành điều, quan trọng nhất là câu chuyện đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.
Theo đó, Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Tập đoàn PAN sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000 ha ở Bình Phước, liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình. Sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn PAN và tỉnh Bình Phước hoàn thiện Đề án mô hình liên kết 4 nhà trong phát triển vùng điều bền vững. Có những phương án tái canh hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho người dân khi tái canh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu về giống, quy trình chăm sóc, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng… để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị.
Năm 2016 Việt Nam nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn điều thô làm giá thành sản phẩm tăng cao mà chất lượng sản phẩm không ổn định. Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Ngoài những yếu kém về mặt công nghệ, ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà – nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả đúng với tiềm năng phát triển của ngành.
Hội thảo “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” được tổ chức nhằm đề xuất giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ngành điều giữ vững vị trí là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD vào năm 2020.