Ngày 9-12, tại TP HCM tiếp tục diễn ra hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa 2017, 2.763 doanh nghiệp (DN) của 39 tỉnh, thành đã có dịp gặp gỡ để tìm kiếm đối tác, cơ hội bán hàng. Đây cũng là dịp để ngành công thương các tỉnh ngồi lại với nhau bàn giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm.
Khó vào siêu thị
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Công Thương đánh giá qua 5 năm tổ chức, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã mang lại nhiều hiệu quả trong xúc tiến thương mại, cũng như tạo nhiều cơ hội quảng bá bán hàng cho các DN, nhất là DN ở tỉnh.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết Lâm Đồng là một trong những địa phương tham gia chương trình kết nối cung cầu với TP HCM từ những năm đầu và có sản phẩm tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường lớn này. “Hoạt động kết nối cung cầu rất có ý nghĩa vì thông qua các lần kết nối, nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các DN của hai địa phương đã được ký kết” – ông Hải chia sẻ. Từ thành công của chương trình, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Hòa Bình, Kiên Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng cường kết nối để khai thác, chinh phục thị trường TP HCM, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại.
Các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2017 Ảnh: Hoàng Triều
Mặc dù vậy, đại diện Sở Công Thương các tỉnh phản ánh sau 5 năm làm “mai mối” cho chương trình vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong việc cung ứng hàng hóa vào siêu thị. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, phản ánh hàng hóa vào siêu thị phải chôn vốn từ 50-60 ngày trong khi thời hạn thanh toán theo hợp đồng là 30 ngày, gây rất nhiều khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, chi phí đưa hàng vào siêu thị cao, chiếm khoảng 20% – 30% giá bán… “Có trường hợp DN, cơ sở sản xuất ở Long An bị làm khó, không trực tiếp bán hàng vào siêu thị được mà phải thông qua một đơn vị khác. DN nếu không bán hàng vào được siêu thị mà vào kênh truyền thống thì giá cả không ổn định và phụ thuộc thương lái” – ông Hồng dẫn chứng.
Do vậy, ông Hồng đề nghị Sở Công Thương TP HCM cố gắng tác động để hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chấn chỉnh tình trạng phân biệt đối xử với nhà cung cấp.
Kịp thời gỡ khó
Ghi nhận ý kiến đóng góp của các tỉnh thành, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay sở sẽ đề nghị các đơn vị cung ứng và phân phối chấn chỉnh, tập trung giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua. Sở cũng sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo sự thông suốt cho hàng hóa lưu thông vào siêu thị ở kênh tiêu thụ hiện đại lẫn truyền thống.
Cũng theo bà Trang, hiện nay, 22 tỉnh, thành phía Nam chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sản phẩm gần giống nhau nên việc kết nối không thuận lợi. Vì vậy, cần tính toán sản xuất để ưu tiên cung cấp, phân phối các sản phẩm mang tính độc đáo theo thế mạnh của từng địa phương, như xoài cát Hòa Lộc của tỉnh Đồng Tháp, cam của tỉnh Vĩnh Long… “Nếu làm được như vậy thì sẽ hạn chế sản xuất manh mún, tạo được nguồn cung cấp hàng có sản lượng lớn và ổn định” – bà Trang khẳng định.
Dành sự quan tâm đến kết nối cung cầu giữa TP HCM và các địa phương, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng những khó khăn mà DN phản ánh cần được tháo gỡ để tăng cường liên kết giữa TP HCM và các địa phương. Theo ông Tuyến, chủ trương của TP HCM là mong muốn kết nối với các tỉnh, thành khác thành một chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến phân phối. Theo đó, TP HCM đang có chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sẽ phát triển những sản phẩm công nghệ dùng cho nông nghiệp công nghệ cao. TP HCM tạo mọi thuận lợi để các tỉnh, thành có thể đẩy mạnh hợp tác ở lĩnh vực này; qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp cho thị trường TP HCM và cả nước.
Đẩy mạnh hợp tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Cũng tại hội nghị lần này, ngành công thương các tỉnh, thành dành nhiều quan tâm cho vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là việc truy xuất nguồn gốc. Theo các tỉnh thành, TP HCM đang là trung tâm thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trước mắt là thịt heo và thịt, trứng gia cầm, rau củ và đã đạt được một số thành công bước đầu. Thời gian qua, một số tỉnh thành đã phối hợp chặt với TP HCM thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thực phẩm và đang xem xét thực hiện công tác này cho địa phương mình và mong muốn TP HCM hỗ trợ.