Giữ ổn định tiền đồng

Các chuyên gia nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng (NH) Standard Chartered dự báo tỉ giá USD/VNĐ chỉ ở mức 22.650 đồng vào quý II/2018 và 22.600 đồng/USD vào cuối năm nay. Lãnh đạo NH Nhà nước cũng thừa nhận với mức dự trữ ngoại hối kỷ lục gần 55 tỉ USD và vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ trong những ngày qua, NH Nhà nước đủ sức can thiệp thị trường, giữ tỉ giá ổn định theo hướng không để VNĐ mạnh lên.

Xu hướng giữ VNĐ

Phiên giao dịch ngày 29-1, tỉ giá trung tâm được NH Nhà nước công bố ở mức 22.426 đồng/USD. Giá USD trong các NH thương mại ở mức 22.675 đồng/USD mua vào, 22.745 đồng/USD bán ra – không thay đổi nhiều trong những ngày qua.

Năm 2017, giá USD khá ổn định khi tỉ giá trung tâm tăng khoảng 1,5%-1,7% so với đầu năm, trong khi các NH thương mại giảm khoảng 0,2%. Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm khoảng 1,5% so với đầu năm.

Chủ một tiệm vàng trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP HCM) cho biết gần đây, chủ yếu khách đến bán ngoại tệ, nhu cầu mua vào không nhiều như trước. Giá USD tự do cũng giảm và về khá sát với giá USD trong các NH.

Giữ ổn định tiền đồng - Ảnh 1.

Tiền đồng đang được nhiều tổ chức kinh tế, cá nhân ưu tiên nắm giữ Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD hiện vẫn còn ở mức lớn, khoảng 6%-7% và nghiêng về phía nắm giữ VNĐ. Huy động ngoại tệ tăng thấp, trong năm 2017 ước tăng khoảng 4% so với năm trước và NH Nhà nước đã mua thêm khoảng 7 tỉ USD từ hệ thống NH. Điều này cho thấy một lượng lớn ngoại tệ đã được tổ chức kinh tế, cá nhân bán và chuyển sang nắm giữ tiền đồng.

Cuối năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Việt Nam xấp xỉ 52 tỉ USD. Đến nửa đầu tháng 1-2018, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng xác nhận đã mua thêm khoảng 2,5 tỉ USD.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – NH Nhà nước, cho rằng những ngày qua, cơ quan này tiếp tục mua vào ngoại tệ từ thị trường khi nguồn cung dồi dào, trạng thái ngoại hối của các NH thương mại khá cân bằng. Có ngày, lượng ngoại tệ giao dịch bình quân tại Sở Giao dịch NH Nhà nước lên tới 2 tỉ USD. Gần đây, NH Nhà nước đã liên tục sử dụng các công cụ điều tiết tiền tệ để cân bằng giữa lượng tiền đồng bơm ra mua ngoại tệ rồi hút tiền về.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhìn nhận tại thời điểm nhà nước thu về 4,8 tỉ USD từ thương vụ thoái vốn của Sabeco, NH Nhà nước đã mua vào ngay 3,8 tỉ USD, để số tiền còn lại cho thị trường tự hấp thụ. Tuy nhiên, thị trường đã không thể hấp thụ nổi số tiền này bởi các NH thương mại thấy triển vọng tỉ giá ổn định nên không muốn nắm giữ ngoại tệ vượt quá trạng thái quy định.

Hỗ trợ xuất khẩu

“Niềm tin của các NH thương mại về sự ổn định tỉ giá đã tăng lên rất nhiều so với đầu năm 2017. Tỉ giá hiện không còn là nỗi lo tiền đồng mất giá, mà làm sao ổn định để đồng nội tệ không lên giá mạnh và hỗ trợ xuất khẩu” – ông Phạm Thanh Hà nhận xét.

Các chuyên gia đến từ nhóm nghiên cứu toàn cầu Standard Chartered cũng dự báo tiền đồng đang mạnh lên. Ông Eddie Cheung, chuyên gia ngoại hối NH Standard Chartered, cho rằng nhiều người tin VNĐ sẽ tiếp tục mất giá nhưng lần đầu tiên trong vài năm qua, các chuyên gia Standard Chartered tin rằng tỉ giá sẽ được giữ ổn định và có thể xoay quanh mức 22.600 đồng/USD vào cuối năm nay. Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018 nhưng thực tế là đồng USD đang yếu đi so với các ngoại tệ khác. Lúc này, nếu VNĐ theo kịp sự trồi sụt của các đồng tiền khác thì sẽ không bị mất lợi thế cạnh tranh.

“VNĐ đang tăng giá khi đồng USD yếu đi nhưng để giữ lợi thế cạnh tranh, NH Nhà nước đã điều chỉnh tỉ giá trong mối tương quan với các đồng tiền khác như nhân dân tệ, euro và đồng tiền ở các thị trường mới nổi” – ông Eddie Cheung nhận định.

Dù vậy, ông Phạm Thanh Hà vẫn thừa nhận tỉ giá rất khó đoán. Năm trước, cả thế giới dự báo đồng USD lên giá khi FED đang trong chu kỳ tăng lãi suất và Tổng thống Mỹ tuyên bố dồn nguồn lực để phát triển kinh tế Mỹ, giúp đồng USD lên giá mạnh. Đến nay, FED vẫn tăng lãi suất theo lộ trình nhưng đồng USD vẫn tiếp tục giảm giá, sau khi đã mất khoảng 9% vào năm 2017.

Ở thị trường Việt Nam, từ giữa năm 2017, tỉ giá đã chững lại và NH Nhà nước cố gắng kiểm soát ở mức độ hợp lý. Trong rổ tỉ giá dùng để tham chiếu, VNĐ ổn định so với các đồng tiền khác. Bởi lẽ, khi tỉ giá không ổn định sẽ tác động bất lợi, nhất là tới xuất khẩu. VNĐ mạnh lên không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn tác động tới nhập khẩu, vay nợ, vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam…

“Năm 2018, dự báo cán cân thương mại khả quan, đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng và các chính sách sẽ theo hướng giúp chuyển hóa nguồn lực từ nắm giữ ngoại tệ sang VNĐ…, đem lại nguồn cung khá tốt. Nền kinh tế đang tăng trưởng và về cơ bản hệ thống NH sẽ bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đáp ứng tất cả nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nền kinh tế. NH Nhà nước sẽ cố gắng giữ ổn định tỉ giá và làm cho VNĐ ổn định, phù hợp với các loại ngoại tệ khác” – ông Hà nhấn mạnh.

Dự báo lạc quan về tỉ giá

Nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo tỉ giá trong năm 2018 tiếp tục ổn định nhờ chính sách điều hành chủ động của NH Nhà nước và sẵn sàng bình ổn thị trường khi cần thiết.

Theo Công ty Chứng khoán NH Vietcombank (VCBS), mức giảm giá của VNĐ trong năm nay sẽ không quá 2%, không xảy ra trạng thái giật cục khi NH Nhà nước đã có kinh nghiệm điều hành hợp lý so với trước. Công ty Chứng khoán NH Quân đội (MBS) cũng cho rằng áp lực tỉ giá sẽ cao hơn khi USD đang có xu hướng tạo đáy và phục hồi, cộng thêm lạm phát của Việt Nam trong năm nay cao hơn gây áp lực giảm giá cho VNĐ. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối dồi dào do NH Nhà nước tích lũy thời gian qua và nguồn thu ngoại tệ lớn từ các thương vụ IPO, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước giúp đủ dư địa để cơ quan quản lý điều hành tỉ giá theo hướng ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục, tỉ giá USD/VNĐ ở mức ổn định nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực là bằng chứng cho thấy nút thắt về tỉ giá đã được tháo gỡ.

Nước chảy chỗ trũng: Gần 243.000 tỷ đồng tiền gửi ‘đổ’ thêm về Vietcombank năm 2017

Bài viết mới