Giới đầu tư đổ tiền mua đất các tỉnh ven Hà Nội

Từ nhiều năm nay, các thị trường vệ tinh (giáp ranh Tp.HCM) góp một phần không nhỏ vào sự sôi động của thị trường bất động sản phía Nam. Những cơn sốt đất không chỉ xuất hiện ở các quận nội thành Tp.HCM mà còn diễn ra ở các tỉnh lẻ như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Trong khi đó, khu vực phía Bắc, phân khúc đất nền ở các thị trường vệ tinh Hà Nội chỉ mới bắt đầu sôi động khoảng 2 năm gần đây. Xu hướng này xuất hiện ở các đô thị gắn với phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Bắc Ninh và Thái Nguyên đang là những thị trường vệ tinh hấp lực mạnh dòng vốn đầu tư ở phân khúc đất nền. Bên cạnh các nhà đầu tư địa phương, một lượng lớn nhà đầu tư là đến từ Hà Nội và các vùng phụ cận. Đây cũng là hai tỉnh đứng đầu miền Bắc về thu hút FDI trong những năm qua. Nguồn vốn FDI đã đưa tốc độ phát triển kinh tế 2 tỉnh này lọt top đầu cả nước và trực tiếp tác động đến sự phát triển của thị trường bất động sản.

Giai đoạn 2014-2016, đất nền Bắc Ninh rục rịch tăng giá, giới đầu tư Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn còn khá e dè, cân nhắc do hệ lụy từ cơn sốt đất nền 10 năm trước. Khi đó, sự sôi động của thị trường đến từ các nhà đầu tư địa phương.

Từ 2016, nhiều ông lớn như Vingroup, Mường Thanh, Him Lam… đồng loạt đổ vốn vào đây và trong quy hoạch chung đô thị, Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2020; những yếu tố này khiến giới đầu tư Hà Nội cũng như vùng phụ cận bắt đầu chú ý đến bất động sản Bắc Ninh.

Từ cuối 2016, nhà đầu tư Hà Nội và một số tỉnh phụ cận góp mặt đông đảo hơn vào thị trường đất nền Bắc Ninh. Khu vực thành phố là nơi hấp lực mạnh nhất dòng tiền do tập trung đông đảo người nước ngoài, các chuyên gia sinh sống. Giai đoạn này nhiều nhà đầu tư Hà Nội đổ về Bắc Ninh mua đất thổ cư xây nhà riêng cho người nước ngoài thuê, góp phần khiến đất Bắc Ninh lên cơn sốt và chạm đỉnh vào tháng 3, tháng 4/2017.

Thời điểm đó, ở những địa bàn như đường Ngọc Hân Công Chúa, Khả Lễ, Bồ Sơn (phường Võ Cường) và K15 (phường Ninh Xá), giá đất nền đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2016. Đất ở mặt tiền đường Ngọc Hân Công Chúa được rao bán từ 70-80 triệu/m2, trong khi đầu 2016, giá chào bán là 30-40 triệu/m2. Đất tại Khả Lễ, Bồ Sơn có mặt tiền đường Bình Than giá tăng từ 15-18 triệu/m2 lên 30-35 triệu/m2.

Từ tháng 5/2017, giá bắt đầu chững lại. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, khi dòng tiền tích lũy lớn, sức mua tăng cao, đất tại đây lại tăng nhẹ, mức tăng khoảng 2-3% với những lô đất ở mặt tiền đường lớn, 5-7% với những lô đất mặt đường nhỏ.

Bên cạnh các nền đất thổ cư, đất nền dự án cũng hấp dẫn giới đầu tư. Một trong những dự án đất nền lớn ở Bắc Ninh tung hàng trong năm 2017 là Phúc Ninh đã thu hút hơn 1.000 khách hàng tham dự dịp mở bán. Dòng sản phẩm chính của dự án là các lô đất liền kề, biệt thự có diện tích từ 120-240m2 với giá bán từ 24 triệu/m2.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% lô đất giai đoạn này đã được tiêu thụ. Ông Trịnh Xuân Minh, Giám đốc kinh doanh Sàn giao dịch BĐS Hải Phát Land cho biết, giới đầu tư Hà Nội chiếm trên 20% số lượng giao dịch thành công.

So với Bắc Ninh, đất nền Thái Nguyên có mức giá rẻ hơn. Các nền đất ở đây chỉ dao động từ 3-6 triệu/m2 nên thu hút mạnh giới đầu tư trung lưu. Phần lớn các dự án đất nền nở rộ và tập trung ở khu vực thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên – 2 khu vực nhận nguồn vốn FDI lớn nhất của tỉnh.

Nếu năm 2016 và nửa đầu năm 2017, các nhà đầu tư mua đất nền tại Thái Nguyên chủ yếu là nhà đầu tư địa phương và nhà đầu tư Bắc Ninh thì khoảng nửa cuối năm 2017 đến nay, nhà đầu tư Hà Nội cũng bắt đầu tấn công thị trường này.

Giai đoạn đầu nóng sốt của đất nền Thái Nguyên, giới đầu tư Bắc Ninh đổ mạnh về đây do tin rằng kịch bản đất tăng giá ở Bắc Ninh khi Samsung và các dự án FDI lớn đi vào vận hành sẽ lặp lại tại Thái Nguyên – nơi cũng đón nguồn vốn FDI lớn từ Sam Sung và nhiều dự án khác. Dù chậm chân hơn nhưng giới đầu tư Hà Nội và một số tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương cũng theo chân nhà đầu tư Bắc Ninh về Thái Nguyên mua đất.

Trong vai một nhà đầu tư, phóng viên đã đi xem một dự án đất nền tại Sông Công vào đầu tháng 1/2018. Hôm đó, 6 chiếc xe khách xuất phát từ Hà Nội do một sàn giao dịch tổ chức cho khách hàng đi xem dự án đều kín chỗ là các nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Bắc Ninh và 1 số tỉnh khác. 160 lô đất của dự án được mở bán đều cháy hàng. Với những lô vị trí đẹp, nhà đầu tư đều phải bốc thăm với tỉ lệ 1 chọi 12. Nhiều khách ra về tiếc nuối vì không mua được đất, phải đợi đến đợt mở bán sau.

Theo khảo sát của Phóng viên, một vài dự án đất nền khác mở bán trong năm 2017 của Thái Nguyên có mức tiêu thụ đạt 60-70% giỏ hàng đợt 1. Giá đất tại đây không biến động mạnh, mức tăng phổ biến từ 200-500 ngàn/m2 trong khoảng thời gian 6 tháng với những dự án mở bán trong năm 2017.

Ông Đỗ Cơ Thạch – Tổng Giám đốc Hoàng Cầu Group cho biết, với các dự án đất nền Thái Nguyên, tỉ lệ giới đầu tư địa phương chỉ chiếm 30%, đóng vai trò áp đảo là nhà đầu tư đến từ Hà Nội và Bắc Ninh. Tỉ lệ nhà đầu tư đến từ các tỉnh khác, tùy từng dự án, dao động từ 5-10%. Theo ông Thạch, mức giá rẻ và dư địa tăng giá cao khiến đất nền Thái Nguyên hút khách.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Xuân Minh – Giám đốc Kinh doanh của Hải Phát Land cho rằng đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội nóng và thu hút dòng tiền đầu tư thời gian qua còn xuất phát từ thực tế là các thị trường tỉnh lẻ không có nhiều dự án đất nền quy mô lớn, có sự đồng bộ về tiện ích và dịch vụ.

“Trong khi đó, tốc độ phát triển ở các tỉnh này khiến nhu cầu về các dự án chất lượng cao tăng lên. Do đó, sự xuất hiện của các dự án đất nền có quy mô thời gian gần đây trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn ở các thị trường tỉnh” – ông Minh khẳng định.

Thực hư cơn sốt đất nền đang lan rộng tại Hà Nội?



Bài viết mới