Chúng ta liên tục được nhắc nhở bằng cách này hay cách khác là hãy cố gắng làm việc, cố gắng hơn nữa để đạt được nhiều hơn nữa. Do vậy, chúng ta bị ám ảnh rằng đó chính là thứ cần thiết để có một cuộc sống tốt. Thực tế, một cuộc sống hạnh phúc thực sự là gì?
Hạnh phúc là 1 trong số những điều quan trọng nhất của cuộc sống, chưa kể nó còn là điều khó học nhất.
Nhà tâm lý học Robert Waldinger là giám đốc Trung tâm nghiên cứu sự phát triển của người trưởng thành, Đại học Harvard đã tiến hành nghiên cứu dài nhất, đầy đủ nhất về cuộc sống của người trưởng thành. Đây là nghiên cứu duy trì trong suốt 75 năm về hạnh phúc của 724 người ban đầu và hơn 2.000 đứa con của họ sau đó về hạnh phúc và các yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
“Nghiên cứu theo dõi 268 sinh viên năm thứ 2 của Đại học Harvard và 456 bé trai từ 12 đến 16 tuổi lớn lên ở thành phố Boston. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát cuộc sống của những người đàn ông trưởng thành ở các khía cạnh cuộc sống hôn nhân, sự hài lòng trong công việc và hoạt động xã hội 2 năm 1 lần và theo dõi sức khỏe thể chất (chụp X-quang ngực, xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm tim) mỗi năm 1 lần. Kết quả khảo sát cho thấy, những người có mối quan hệ tốt thì sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.
Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, Waldinger đã chỉ ra 3 đích danh 3 yếu tố mấu chốt để có được hạnh phúc trong cuộc sống:
1. Các mối quan hệ xã hội khăng khít
Những người có mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và cộng đồng có xu hướng sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và sống thọ hơn. Trong khi đó những người thường xuyên thể hiện sự cô đơn ít cảm thấy hạnh phúc và có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần kém hơn.
Theo khảo sát từ hàng chục nghiên cứu được công bố trên tạp chí Social & Personality Psychology Compass năm 2014, sự cô đơn có thể cản trở bạn có giấc ngủ ngon, cảm thấy hạnh phúc và các hoạt động tinh thần khác, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
2. Chất lượng chứ không phải số lượng các mối quan hệ quyết định mức độ hạnh phúc
Hẹn hò với ai đó hay không không phải điều quan trọng nhất. Các cặp vợ chồng tranh cãi liên tục và ít khi thể hiện tình cảm với nhau (cuộc hôn nhân có xung đột cao) thực sự kém hạnh phúc hơn những người chưa kết hôn, theo nghiên cứu của Đại học Harvard.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của chất lượng mối quan hệ đến mức độ hạnh phúc dường như phụ thuộc phần nào vào tuổi tác. Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí tâm lý và lão hóa chỉ ra, số lượng các mối quan hệ thực sự ảnh hưởng đến hạnh phúc của những người ở độ tuổi 20. Nhưng chất lượng mối quan hệ mới là điều tác động lớn hơn đến sự hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, xã hội của mọi người khi ở độ tuổi 30.
3. Cuộc hôn nhân bền vững, tương hỗ
Kết nối với người khác trong xã hội không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp ngăn chặn các triệu chứng giảm sút tinh thần. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, những người có lập gia đình mà không trải qua việc chia ly, ly hôn hay gặp các vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân tính đến lúc 50 tuổi có trí nhớ tốt hơn hẳn những người khác.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE năm 2013 cũng chỉ ra rằng, trong rất nhiều yếu tố, một cuộc hôn nhân hạnh phúc là điều có tác động nhiều đến nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ nhẹ.
Rõ ràng, một mối quan hệ bền vững, sâu sắc rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Xã hội ngày nay đặt nặng sự giàu có và thành đạt trong công việc, thế nhưng nghiên cứu trong 75 năm qua của đại học Harvard chỉ ra, những người hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống nhất là những người coi trọng và chăm sóc tốt cho các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng.