Giao dịch của Lãnh đạo Doanh nghiệp: Mua QNS, DGC, DGL, bán BCG, HNF

Tuần 18/09 – 22/09 trên thị trường xuất hiện những giao dịch mua bán cổ phiếu khối lượng lớn của cổ đông nội bộ.

Cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm trong tuần qua chính là QNS (CTCP Đường Quảng Ngãi ). Ông Võ Thành Đàng – chủ tịch HĐQT đã tiếp tục đăng ký mua 200.000 cổ phiếu QNS. Dự kiến giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 21/9 đến 20/10. Mục đích vị lãnh đạo đưa ra là để gia tăng thêm tỉ lệ đầu tư. Nếu giao dịch thành công thì ông Võ Thành Đàng sẽ tăng sở hữu từ 4,66% lên 4,7%.

QNS được biết đến nhiều nhất và trở thành thương hiệu lớn trên thị trường với các dòng sản phẩm sữa đậu nành nổi tiếng như Fami hay Vinasoy, tuy nhiên mảng kinh doanh đường của công ty vốn ít được biết đến đang được thị trường đánh giá là một mảng mạnh, vượt xa nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành. Hiện nay mảng kinh doanh đường của QNS tập trung chính vào sản phẩm không thương hiệu – đường kính trắng (Đường Refined Standard) loại 50kg.

Từ năm 2016, áp lực cạnh tranh trên thị trường tăng lên đáng kể đã khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng của công ty giảm nhẹ khiến giá bán cũng chịu áp lực giảm. Đây chính là lí do dẫn đến biến động bất lợi của giá cổ phiếu kể từ sau khi niêm yết. Tuy nhiên trong thời gian tới, QNS vẫn còn nhiều room để cải thiện kết quả kinh doanh và hiệu quả đầu tư dù điều đó cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực điều hành.

Thông tin đáng quan tâm sau đó là DGC (CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang), ông Đào Hữu Duy Anh – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 127.135 cổ phiếu (tỷ lệ 0,25%) lên 627.135 cổ phiếu (tỷ lệ 1,23%). Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, ngày dự kiến thực hiện giao dịch từ 21/09 đến 20/10. Hiện trên thị trường DGC đang được biết tới là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại DGC đã suy giảm giá gần 20% so với thời cột mốc đầu năm nay. Nguyên nhân của việc này được cho là tới từ việc giảm sút bởi lợi nhuận của công ty con, hóa chất Đức Giang Lào Cai giảm 56% do chính sách thuế thay đổi đợt đầu năm qua.

Cùng thời gian ông Đào Hữu Duy Anh cũng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu DGL (CTCP Hóa chất Đức Giang-Lào Cai) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, ngày dự kiến bắt đầu giao dịch 21/09 và sẽ kết thúc giao dịch vào ngày 20/10. Hiện ông Anh đang sở hữu 51.032 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 0,11%.

Tại CTCP Bamboo Capital (BCG), ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra 2,8 triệu cổ phiếu BCG từ ngày 26/9 đến 24/10 theo phương thức thỏa thuận. Dự kiến giao dịch thành công lúc đó cổ đông lớn sẽ giảm sở hữu tại BCG từ 6,92 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,41%, xuống còn 4,12 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,81%. Qua đó, không còn là cổ đông lớn của BCG.

DN đang kinh doanh trên các lĩnh vực và khá đa dạng. Từ định hướng ban đầu là cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, quản lý tài sản và dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin, qua hơn 3 năm hoạt động, Bamboo Capital đã mở rộng quy mô hoạt động thông qua các thương vụ mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh bất động sản, khai thác và chế biến gỗ, khoáng sản, xây dựng công trình, dịch vụ bảo vệ…

Một điểm đáng quan tâm ở khẩu vị đầu tư của BCG là doanh nghiệp này thường thích thâu tóm những doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn và cần tái cấu trúc. Việc phát triển thành một tập đoàn đa ngành là một quá trình lâu dài và ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Liệu ban lãnh đạo BCG có thể thành công với canh bạc của mình hay không đó còn là câu hỏi cần thời gian giải đáp.

Tại HNF (CTCP Thực phẩm Hữu Nghị), bà Lê Thị Lan Anh – Tổng Giám đốc mới đây đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch bà Lan Anh sở hữu 1.540.561 CP (tỷ lệ 7,7%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/9 đến 20/10/2017.

Có thể thấy cổ phiếu HNF sau khi tăng mạnh lên vùng đỉnh ở vùng giá 55.000 đồng/cổ phiếu thì đã quay đầu giảm, hiện đang giao dịch đang ở mức 42.700 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, bà Lan Anh cần bỏ ra trên 80 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu đã đăng ký.

HNF là 1 doanh nghiệp tên tuổi trong làng sản xuất bánh kẹo Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên đặc điểm quan trọng và lớn nhất của ngành là hầu hết nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu chiếm tỉ trọng khá lớn, trong đó bột mì gần như nhập khẩu toàn bộ và đường thì thông thường sẽ nhập khẩu một phần. Chính vì vậy nên sự biến động của giá cả nguyên vật liệu sẽ có tác động lớn đến giá thành phẩm đầu ra của bánh kẹo.

Thời điểm tới đây khi vào gần cuối năm, doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị cho mùa tết nên có thể kì vọng vào doanh thu và lợi nhuận thời gian sắp tới tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như vừa qua, khi áp lực cạnh tranh với bánh kẹo nhập ngoại càng gay gắt và khả năng bị thâu tóm bởi các NĐT ngoại, với đặc điểm cổ phiếu cô đặc thanh khoản còn thấp thì việc kết quả khả quan trong tương lai còn cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía.

[Tín hiệu đầu tư] Lãnh đạo doanh nghiệp tấp nập bán VGC, VTJ, mua BWE, SBT, HAR

Bài viết mới