Giãn thời gian áp dụng hiệp định ATIGA
Báo cáo của Hiệp hội Mía đường phục vụ Hội nghị thương mại ngành đường khu vực phía Bắc ngày 21/6 cho biết ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương về thời hạn thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA)
Chính phủ đồng ý tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA sẽ bắt đầu từ năm 2020.
Trước đó, theo cam kết của Hiệp định ATIGA, thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Theo hiệp hội ngành đường đang gặp khó khăn từ cả thị trường thế giới và thực trạng sản xuất trong nước.
Đến tháng 4/2018, nguồn cung toàn cầu tăng nhanh do sản lượng đường Ấn Độ và Thái Lan dự báo đạt kỷ lục. Sản lượng của Thái Lan đạt 14,1 triệu tấn, Ấn Độ đạt 31,5 triệu tấn.
Do cung tăng nhanh hơn cầu nên giá đường trên thị trường trong tháng 4 đã giảm tới mức thấp nhất trong nhiều năm. Giá trung bình tháng của đường thô giao ngay là 12,03 cents/lb là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Giá trung bình tháng của đường trắng giảm 4,7%, xuống còn 337,07 USD/tấn.
Chênh lệch danh nghĩa giữa giá đường trắng và đường thô tăng lên so với hồi tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của 3 năm qua.
Cung cầu thế giới trong niên vụ 2017/18 dư thừa 5,15 triệu tấn, tồn kho cuối kỳ khoảng 90 triệu tấn.
Tồn kho lớn, tiêu thụ chậm
Theo Hiệp hội này, tại Việt Nam giá đường giảm liên tục từ đầu vụ, đến nay hầu hết các giá bán tại các nhà máy gần sát giá đường nhập lậu của Thái Lan. Một số nhà máy đã phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành và có nguy cơ thua lỗ.
Giá đường tại thời điểm giữa tháng 5/2018 giảm so với đầu vụ. Đường tinh luyện giảm 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm khoảng 2.800 – 2.900 đồng/kg.
Về tiêu thụ, đến ngày 31/5, tổng sản lượng đường sản xuất đạt gần 1,4 triệu tấn. “Tuy nhiên việc tiêu thụ rất chậm và lượng tồn kho ở các nhà máy đường vẫn lớn. Đây là năm thứ hai có lượng tồn kho cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây”, hiệp hội Mía đường nhận định.
Đầu niên vụ 2017/18, lượng tồn kho đường đã ở mức cao, lên đến 596 nghìn tấn đường. Lượng đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng gia tăng, ước tính trên 500 nghìn tấn.
Nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hai quan năm 2017 lượng đường frutctose nhập khẩu 89 nghìn tấn, tăng 31,7% so với năm 2015.
Theo hiệp hội, xuất khẩu tiểu ngạch tuy có tín hiệu tích cực nhưng hoạt động này tại các cửa khẩu phụ chưa được như mong muốn. Từ đầu tháng 6 đến nay gần như không xuất khẩu theo đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu phụ được.
Theo Hiệp hội Mía đường, tâm lý chờ đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạnthời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định ATIGA cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới tồn kho lớn và tiêu thụ chậm của ngành đường.
Ngoài ra, hệ thống tổ chức bán hàng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự gắn kết, chia sẻ lợi ích giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng trong ngành mía đường.
Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2017/18, cả nước có 37 nhà máy hoạt động với công suất thiết kế 162.300 tấn mía/ ngày. Diễn biến thời tiết thất thường, mưa, bão, lũ nhiều đơt ở Miền Trung – Tây Nguyên, xâm nhập mặn và sâu bệnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, tác động El-Nino ở các tỉnh phía Bắc và Miền Trung – Tây Nguyên và tác động tiêu cực của thị trường trong nước và thế giới nên nhiều nhà máy đã vào vụ chậm và hoạt động không liên tục làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Về sản lượng, lũy kế đến 31/5, ép được gần 14 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,33 triệu tấn đường, trong đó có 450 ngàn tấn đường tinh luyện. |
“Đường kính nhập lậu phá nát doanh nghiệp mía đường Việt Nam”
|