Báo cáo giám sát sao phần trách nhiệm của tập thể, cá nhân lại chỉ có 5 dòng rưỡi là thế nào? Câu hỏi này được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), sáng 15/8.
Như VnEconomy đã thông tin, báo cáo kết quả giám sát với 36 trang, gần 24 ngàn chữ, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm. Nhưng, phần trách nhiệm của tập thể, cá nhân thì nêu rất ngắn gọn.
5 dòng rưỡi của phần này nguyên văn là: “Theo Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (các bộ, ngành, địa phương) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan, khắc phục các tồn tại đã nêu tại kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán và tất cả các giảm trừ đều đã được các cơ quan liên quan được ghi nhận và giảm trừ trong hồ sơ quyết toán. Đối với việc xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư về các tồn tại, sai sót đã được nêu tại kết luận của cơ quan thanh tra”.
Nhận xét là báo cáo rất hay nhưng trách nhiệm rất nhẹ nhàng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng 5 dòng rưỡi nói trên chưa nói được trách nhiệm tập thể và cá nhân ở lĩnh vực giám sát. “Có nể nang không, có chưa nói hết hay không”, Phó chủ tịch đặt câu hỏi.
“Đây là báo cáo cáo của Thường vụ Quốc hội nên đề nghị nói cho đúng về trách nhiệm, cần bổ sung và đánh giá kỹ thêm phần này”, bà nói.
Vẫn theo Phó chủ tịch Quốc hội, cũng cần nói rõ thêm vai trò của kiểm tra, kiểm toán trong lĩnh vực được giám sát, vì đây là cuộc giám sát kép xem cơ quan có thẩm quyền đã làm đúng chưa.
Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói, bà chưa đồng tình với kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của người dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Vì đây là lĩnh vực rất phức tạp, cần phải có chuyên môn sâu, nên cần tăng cường thanh tra chuyên ngành.
Nhấn mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là công cụ rất quan trọng vì dự án BOT toàn là những nơi “không nhiệm vụ miễn vào”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công cụ giám sát chuyên ngành phải là cơ quan chức năng.
Bà Nga cũng bày tỏ đồng tình với nhận xét của Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng là phần xác định trách nhiệm tại báo cáo giám sát là rất hạn chế, chỉ có chưa đến 6 dòng.
“Kết quả giám sát ngoài đưa lại giá trị về vĩ mô thì cần có khen có chê, phải chỉ ra trách nhiệm của người làm không tốt”, Chủ nhiệm Nga góp ý.
Quan tâm hơn đến bức xúc của người dân cũng là vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại phiên thảo luận.
“Làm đường cho dân đi mà dân lại không chấp nhận, không có cảm tình là thế nào?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đặt câu hỏi.
Ngay sau đó, ông Hải gián tiếp đưa ra câu trả lời một phần câu hỏi này, đó là đứng sau các dự án đều là ngân hàng, và vốn chủ yếu từ ngân hàng dẫn đến sức ép về lãi suất dẫn đến giá phí cao khiến cho nhiều người dân phản ứng.
“Cách quản lý của chúng ta làm sao ấy, cô bác phàn nàn rất nhiều về trạm thu phí, những cái này cần phân tích kỹ, cần đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và của dân nữa”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.
Cũng đề cập nguyên nhân từ quản lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng tiền vay ngân hàng lãi hơn 10% mà thu phí đến 20 năm thì giá đội lên là đúng.
Ông Giàu lấy một ví dụ có quãng đường BOT chỉ có 30 km, mà là đổ thêm nhựa lên chứ không mở rộng được bao nhiêu.
“Dân họ nói kinh lắm”, ông nói.
“Có nhiều bức xúc về thu phí BOT nhưng việc lắng nghe ý kiến của người dân, đối tượng thường xuyên sử dụng tuyến đường ta cũng làm chưa tốt, chưa tạo được sự đồng thuận”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét.