Những ngày đầu quý 3 tiếp tục diễn ra không êm ả với TTCK Việt Nam. Sau phiên mở màn giảm gần 14 điểm, chỉ số Vn-Index tiếp tục “rơi” 41,14 điểm (4,34%) xuống 906,01 điểm trong phiên 3/7 và là phiên giảm điểm mạnh thứ 2 trong năm 2018, chỉ xếp sau phiên 5/2 với mức giảm 5,1%.
Trên bình diện khu vực, Vn-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 3/7. Đây là điều khá đáng buồn khi nhiều thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Thượng Hải, Philippines, Thái Lan…đã hồi phục trở lại sau phiên giảm sâu trước đó.
Tương tự Vn-Index, các chỉ số chứng khoán khác của Việt Nam cũng giảm sâu, như Hnx-Index mất 3,86% xuống 98,8 điểm; Upcom-Index giảm 1,69% xuống 49,98 điểm.
Với mức giảm kể trên, vốn hóa TTCK Việt Nam đã “bốc hơi” xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng (6,5 tỷ USD) trong phiên giao dịch 3/7 và vốn hóa hiện còn gần 3,72 triệu tỷ đồng (162 tỷ USD).
Chứng khoán Việt Nam “tệ” nhất Châu Á phiên 3/7
Việc thị trường giảm mạnh trong những tháng gần đây đến từ lo ngại chiến tranh thương mại leo thang trên thế giới. Bên cạnh đó, những vấn đề về tỷ giá tăng vọt những ngày qua, cũng như triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không còn quá cao đã tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán.
Trong tháng 7 này, các doanh nghiệp sẽ công bố KQKD tháng 7 và điều này được kỳ vọng hỗ trợ cho thị trường. Tuy vậy, theo đánh giá của CTCK HSC thì những thông tin khó có thể hỗ trợ đáng kể cho toàn bộ thị trường chung. Hiện điều nhà đầu tư quan tâm chủ yếu là triển vọng lợi nhuận tương lai, mà không phải là kết quả hiện tại.
Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng là yếu tố khiến TTCK thiếu động lực bứt phá. Sau quý 1 tăng trưởng ngoạn mục 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm thì đến quý 2, tăng trưởng GDP chỉ còn 6,79% và nhiều dự báo cho rằng những quý cuối năm sẽ khó có thể đạt được con số ấn tượng như quý đầu năm. CPI tháng 6 tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua cũng khiến thị trường trở nên thận trọng hơn.
Cuối cùng, giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố tác động xấu tới thị trường. Riêng trong phiên giao dịch 3/7, khối ngoại cũng bán ròng gần 380 tỷ đồng và điều này đã ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư trong nước, từ đó dẫn tới áp lực bán tăng mạnh.