Nhiều người ghét ăn mướp đắng vì chính hương vị đắng mà nó đem lại. Nhưng đừng bỏ qua loại rau xanh này nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh. Bởi vì, mướp đắng rất giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các khoáng chất như kali, kẽm, mangan. Chưa kể, nó còn chứa các dưỡng chất thực vật đặc biệt có lợi cho sức khỏe như vicine, charadin, momordin và carotenoid làm mát gan, giải độc và tăng cường chức năng hoạt động của mắt, giảm viêm…Cũng vì thế mà mướp đắng (hay còn được gọi là trái khổ qua) được sử dụng như một vị thuốc tự nhiên có nhiều công dụng khác nhau.
Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc vì sao người ta lại sử dụng mướp đắng để điều trị bệnh tiểu đường? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất từ mướp đắng có thể làm giảm hoạt động của enzyme alfa glucosidase, giúp ngăn đường huyết tăng đột biến sau bữa ăn. Đặc biệt ở Ấn Độ, người ta coi mướp đắng là thuốc trị bệnh tiểu đường vô cùng hiệu quả.
Vậy sử dụng mướp đắng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Mướp đắng có chứa thành phần chính charatin và momorcidin, là các glycosid đắng làm ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết. Các hợp chất này thường được sử dụng trong điều trị cho người bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, hạt mướp đắng cũng có chứa hợp chất polypeptide P, hoạt động giống như insulin giúp làm giảm lượng đường trong máu. Muốn kiểm soát lượng đường trong máu bạn có thể làm nước ép mướp đắng và uống vào mỗi buổi sáng.
Ngoài nước ép mướp đắng, cũng có thể thử công thức pha trà mướp đắng vô cùng đơn giản bằng cách: thái lát mướp đắng phơi khô, sau đó đun sôi và uống hai lần một ngày. Hoặc, có thể dùng mướp đắng chế biến kết hợp cùng các món ăn hàng ngày làm giảm bớt vị đắng của nó.
Tuy nhiên, nên sử dụng mướp đắng theo lời khuyên của bác sĩ và căn cứ vào chỉ số đường của cơ thể để tránh trường hợp lạm dụng mướp đắng dẫn đến hạ đường huyết quá nhiều.