Giảm lãi suất phải trông nhiều bề

Tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 7 mới đây, Chính phủ giao NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô (KTVM), lạm phát và thị trường tiền tệ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD), qua đó góp phần phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

Hệ thống NH tiếp tục định hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên

Hệ thống NH tiếp tục định hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên

Trước đó, Báo cáo của Tổ Công tác của Thủ tướng cũng cho rằng, khi các yếu tố của thị trường cho phép, NHNN xem xét tiếp tục các giải pháp để hạ lãi suất. Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7/2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, đang có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế cho việc giảm lãi suất những tháng cuối năm như áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn (đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%); Lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%); Việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch trong khi lợi suất các kỳ hạn đã giảm 0,2-0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng 6 và thấp hơn khoảng 1% so với cùng kỳ 2016 giúp giảm bớt áp lực với lãi suất…

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, phía DN luôn mong lãi suất hạ. Nhưng, muốn hạ lãi suất cho vay thì NHNN phải hạ các lãi suất điều hành (lãi suất OMO, tái chiết khấu, tái cấp vốn). “Nhưng tôi cho rằng, vì NHNN vừa có đợt hạ lãi suất vào tháng 7 nên có hạ tiếp thì ít nhất cũng phải 1-2 tháng nữa”.

Trong báo cáo KTVM tháng 8/2017 vừa công bố, Công ty MarketIntello nhìn nhận việc lạm phát giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm tạo điều kiện cho NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành vào tháng 7 và đây là những nhân tố giúp cho lãi suất thị trường giảm. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể so với tăng trưởng huy động tiền gửi trong thời gian gần đây lại là nhân tố thúc đẩy tăng lãi suất. Vì vậy, hai lực đẩy trái chiều này khiến cho lãi suất chỉ có thể giảm nhẹ trong những tháng cuối năm – báo cáo này nhận định.

“Tôi tin hệ thống NH sẽ quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục định hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vào những lĩnh vực rủi ro và phấn đấu giữ ít nhất là ổn định lãi suất và trong điều kiện có thể thì tiếp tục giảm nhẹ”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH chia sẻ quan điểm khi được hỏi về vấn đề này.

TS. Lực chỉ ra 2 yếu tố khách quan đang thuận lợi cho khả năng lãi suất giảm thêm, hay ít nhất là ổn định. Một là tần suất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất không còn nhiều như kỳ vọng trước đây, nên áp lực bên ngoài đối với Việt Nam sẽ giảm đi nhiều. Trong khi đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4% là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, chuyên gia này còn chỉ ra nhiều hơn các yếu tố khiến lãi suất khó giảm thêm. Trong đó, hiện tốc độ huy động vốn đang tăng chậm hơn so với TTTD mà nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay dự kiến rất lớn (như Chính phủ đang muốn TTTD bằng hoặc cao hơn mức 20%) nên rõ ràng là nhu cầu huy động vốn vẫn còn khá cao. Đó là chưa kể nhu cầu phải huy động vốn để đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 06 (từ đầu năm tới các NH chỉ được dùng 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn) và như vậy thì các NH sẽ phải huy động ngay từ bây giờ để đến đầu năm tới mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trong bối cảnh đó, lãi suất đầu vào gần như sẽ không thể giảm được. Bởi nếu giảm lãi suất đầu vào, khả năng huy động vốn của hệ thống NH khó hoàn thành được, như vậy cũng khó đáp ứng được nhu cầu thanh khoản và tín dụng cuối năm.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý nợ xấu dù từ nay đến cuối năm có thể sẽ nhanh hơn một chút so khi Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhưng cũng không thể diễn ra một cách rất mạnh mẽ ngay được vì cần thời gian để ban hành quy định quy trình văn bản hướng dẫn triển khai.

Ngoài ra, hiện nay biên lợi nhuận của hệ thống NH ngày càng thu hẹp mà một trong những lý do là lãi suất đầu vào không giảm nhưng lãi suất đầu ra đã giảm một chút trong thời gian vừa qua. “Theo tính toán của chúng tôi, NIM của hệ thống NH hiện chỉ trong khoảng 2,2 đến 2,4%. Đây là mức mà gần như thấp nhất trong khu vực”, TS. Lực cho biết.

Bài viết mới