Khởi đầu từ một cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TPHCM năm 1996, sau gần 20 năm, chuỗi cửa hàng Nón Sơn đã có mặt ở cả 3 miền, hơn 1/2 trong số đó đặt ở các tỉnh phía Nam.
Phủ sóng khắp nước với 141 cửa hàng
Cách phối màu tự nhiên, kiểu dáng đẹp, Nón Sơn từng khiến nhiều chị em sành điệu lựa chọn, dù giá gấp chục lần, thậm chí trăm lần mũ bán ngoài chợ.
Ngoài các sản phẩm màu sắc bắt mắt, ưu điểm vượt trội của Nón Sơn chính là mức độ phủ sóng rộng rãi và vô cùng nổi bật tại những ngã ba, ngã tư, vòng xoay và trên các mặt phố lớn.
Với những vị trí mặt bằng đắc địa, tiền thuê cửa hàng chắc hẳn chiếm phần đáng kể trong tổng chi phí mở rộng và vận hành của chuỗi bán lẻ này.
Chia sẻ với chúng tôi, một quản lý cửa hàng Nón Sơn tại TP HCM cho chúng tôi hay, Nón Sơn vẫn phát triển tốt nhờ việc không chi tiền cho quảng cáo. “Chị có thể thấy Nón Sơn không chi đồng nào cho quảng cáo. Mà khoản này thường rất lớn”, quản lý nói.
Kinh doanh khó khăn và ngày càng khó hơn vì không cạnh tranh nổi với hàng giả
Tại một hội thảo diễn ra cuối năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn bức xúc: “Vấn đề nhức nhối là trong quá trình phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh chống hàng giả đã phát hiện toàn bộ hàng giả đều nhập từ TP.HCM. Điều này cho thấy hàng giả đang tung hoành ngày càng mạnh mẽ hơn khi TP.HCM là nơi sản xuất rồi đem đi tiêu thụ ở các tỉnh. Bình Chánh, Tân Phú, quận 6, là địa bàn làm giả Nón Sơn nhiều nhất.
Các cơ sở làm giả ngày càng tăng, đua nhau mở vì siêu lợi nhuận. Tôi đã từng mua nón bảo hiểm giả tại An Giang, Buôn Mê Thuột với giá 320.000 đồng – tương đương với nón Sơn thật – trong khi giá thành sản xuất chưa tới 100.000 đồng/cái”.
“Dù TP.HCM là nơi sản xuất chủ yếu nhưng chưa bắt được nhiều. Vì các đối tượng lách luật, rất tinh vi khi tại nơi sản xuất chỉ có các bộ phận của mũ như gáo, mút xốp… không có thành phẩm nên khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không có cơ sở khẳng định làm giả. Vì vậy, DN rất khó khăn chống hàng giả”, đại diện Nón Sơn nói thêm.
Năm 2017 thời điểm khó khăn với Nón Sơn, không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường.
“Hiện chúng tôi có khoảng 300 công nhân. Chúng tôi chủ yếu nhờ doanh thu từ nón vải. Nón bảo hiểm là mặt hàng chúng tôi thêm sau này nhưng không cạnh tranh nổi vì hàng giả nhiều quá”, ông Tý chia sẻ.
Công ty cho biết bộ phận sản xuất luôn phải cân đối trong việc làm hàng theo nhu cầu để lượng hàng vừa đủ, không tồn kho, bán ra thị trường rồi tái đầu tư.
Đại diện Nón Sơn ngậm ngùi cho biết: “Nón Sơn đang khó khăn và khó khăn thêm nữa khi hàng giả hoành hành”.