Thưa ông, tăng trưởng nhanh và bền vững là một bài toán kép khó giải. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, đâu là cách thức có thể áp dụng được?
Hai mệnh đề “tăng trưởng nhanh” và “tăng trưởng bền vững” trong nhiều trường hợp sẽ mâu thuẫn với nhau. Vì tăng trưởng với tốc độ cao có thể kéo theo hậu quả ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, môi trường.
Từ nhiều thập kỷ trước, tăng GDP Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn dầu thô cũng như các loại khoáng sản khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu tăng trưởng phải bền vững, Chính phủ đã đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, chuyển dịch từ khai thác tài nguyên sang dựa vào công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch hay nông nghiệp cao. Đó là hướng đi trong tương lai của chúng ta.
Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, nói rõ hơn là cách mạng 4.0, tôi cho rằng chỉ có cách tận dụng triệt để điều này chúng ta mới có thể giải được bài toán kép. Cách mạng 4.0 cho phép những nước đang phát triển như Việt Nam “nhảy cóc”, nâng cao tốc độ phát triển kinh tế mà không gây hậu quả đến môi trường. Đấy cũng chính là cơ hội để chúng ta trở thành con hổ mới của châu Á như mục tiêu được Thủ tướng đưa ra.
Nhưng có vẻ như chúng ta đang có phong trào nói về cách mạng 4.0 chứ không thực sự hiểu nó?
Có rất nhiều cách hiểu về cách mạng 4.0. Thực tế, ở mỗi quốc gia cũng đang có cách định nghĩa khác nhau. Nhưng hiểu nôm na, cuộc cách mạng này là việc tối ưu hoá công nghệ số, dữ liệu lớn để đưa ra được các quyết định sản xuất, đầu tư kinh doanh, đầu tư.
Nói cách khác, các ngành, lĩnh vực sẽ sử dụng và phân tích các dữ liệu có được trên phạm vi quốc gia, toàn cầu để đưa ra các quyết định, ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, phát sinh ra các sản phẩm, dịch vụ có thể chưa từng có trước đó, phục vụ cho nhu cầu con người hoặc đưa ra các sản phẩm hiệu quả hơn trước đó gấp nhiều lần.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm trong việc áp dụng cách mạng 4.0 trong sản xuất, kinh doanh là khung khổ pháp lý. Ví dụ như câu chuyện kinh doanh của Uber, Grab, ông nghĩ sao về việc này?
Cách mạng 4.0 cũng chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Do vậy, ngay tại những nước phát triển nhất, khung khổ pháp lý của nó cũng không thể đầy đủ được. Khoa học, công nghệ đi trước sau đó chính sách mới hình thành, hỗ trợ cho việc quản lý. Đến nay, số lượng khung pháp lý để quản lý và hỗ trợ cuộc cách mạng 4.0 chưa phải là nhiều, nó chỉ mới có cho một số ngành cụ thể.
Để có một môi trường pháp lý đầy đủ và chất lượng, cần phải có thời gian nhất định. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu cứ chờ đợi một khung khổ hoàn thiện thì chúng ta sẽ bị “lỡ tàu”. Tôi cho rằng cần có một chính sách chung, trong đó khuyến khích tận dụng cách mạng 4.0 trước, sau đó, dần dần hoàn thiện nó.
Cách mạng số đang thay đổi rất nhanh dẫn đến chương trình học của chúng ta dường như đang lạc hậu?
Tôi cho rằng cách mạng 4.0 có thể khiến một số giáo trình của chúng ta phải viết lại. Ví dụ như sự phát triển của Bitcoin chẳng hạn. Trước đây, mọi lý thuyết đều cho biết chỉ Ngân hàng Trung ương là đơn vị phát hành tiền. Bitcoin đã phủ nhận định nghĩa này, dù tồn tại của nó còn gây nhiều tranh luận.
Hay như Fintech. Nếu như trước đó chỉ có ngân hàng thương mại mới làm trung gian thanh toán thì giờ đây không như vậy nữa. Hàng tỉ tỉ những vấn đề khác nữa dẫn đến việc các giáo trình phải biên soạn lại.
Không chỉ thay đổi chương trình học, tôi cho rằng cần phải thay đổi các phương thực giảng dạy nữa. Giáo dục đào tạo sẽ là thách thức trong tương lai. Tức chúng ta cần phải bắt kịp với thời đại công nghệ số nếu không muốn tụt lại. Những kiến thức của ngày hôm nay sẽ cũ đi nhanh chóng ở ngày mai.
Giả sử chúng ta bắt kịp được cách mạng 4.0 nhưng có chắc là nó sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững hay hay chỉ làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng khi máy móc lên ngôi, công nhân ra đường? Hiện hệ số GINI về bất bình đẳng đang được nới rộng trong những năm qua, từ 0,37% thành 0,48%…
Lo lắng đó là đúng. Trong cuộc cách mạng 4.0 nếu ai nhanh nhạy và nắm bắt được thời cơ thì sẽ trở nên giàu có nhanh chóng. Điều này khác với trước đây khi một người phải tích luỹ được bao nhiêu kinh nghiệm, nền tảng mới có được thu nhập tốt. Người ta không cần những công ty lớn nữa mà cần những ý tưởng vĩ đại, đại khá là như thế. Như vậy, nó tại điều kiện cho giới trẻ những người nắm bắt được xu hướng công nghệ. Những tỷ phú như Mark Zuckerberg là một ví dụ điển hình.
Cuộc cách mạng 4.0 chắc chắn sẽ khiến một số lượng không nhỏ lao động giản đơn sẽ được thay thế bằng máy móc. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp, không có việc làm sẽ rất lớn, đó là điều không phủ nhận được, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng. Vì vậy, ở đây cần đề cập đến vai trò điều tiết của Chính phủ.
Tức Chính phủ cần đưa ra hàng loạt giải pháp về an sinh xã hội, tạo điều kiện cho những lao động này có sự chuyển dịch phù hợp, giảm doãng cách giài nghèo.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng không nên đặt quá nặng về vấn đề này nếu không Việt Nam sẽ mất cơ hội. Chúng ta rất cần tầng lớp trung lưu, những người có năng lực nhất định để dẫn dắt phát triển.
Vậy ông có những khuyến nghị để Việt Nam phát triển trong tương lai?
Tôi cho rằng chúng ta cần phải nghĩ đến việc tăng trưởng nhanh hơn nữa nhưng trong ổn định. Nếu không có được tốc độ tăng trưởng nhanh kéo dài trong nhiều năm tới, chúng ta sẽ không thể đuổi kịp được họ. Chúng ta tăng trưởng, họ cũng tăng trưởng, thậm chí cao hơn, đó là thực tế.
Để tăng trưởng nhanh và bền vững chúng ta cần phải chú trọng các vấn đề về thể chế, tạo ra một thị trường đầy đủ, đúng nghĩa, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0.
Xin cảm ơn ông!
22/1/2018