Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp (DN) từng đứng ra cam kết thu mua ớt lại thất hứa, khiến hàng trăm nông hộ lao đao, buộc chính quyền địa phương phải ngược xuôi tìm mối bao tiêu sản phẩm, “giải cứu” ế thừa cho dân.
Tái diễn vụ “ớt cay” 2014
Năm 2014, bước vào những ngày đầu hè, trên nhiều cánh đồng rộng lớn thuộc huyện Phong Điền (tỉnh TT-Huế) như Phong Hiền, Phong Chương, Điền Hương, Điền Lộc…, ruộng ớt trái chín rộ. Đó cũng là khi, nông dân đứng ngồi không yên, phải bán tháo ớt chín rục “quá lứa”, hoặc tìm cách phơi trữ bất đắc dĩ, do DN từng về đặt vấn đề mở vùng nguyên liệu ớt trái trồng đại trà bỗng “biến mất”.
Khi về địa phương tìm cách xây dựng vùng nguyên liệu, thông qua hệ thống chính quyền, DN ra sức chào mời nông dân với những thông tin vẽ vời như hiệu quả kinh tế của trồng ớt trên cùng một đơn vị diện tích cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa, hoặc đậu, rau màu; đầu ra của ớt tập trung và ổn định… (!) Tuy nhiên, khi ớt chín rục, DN đã “cao chạy xa bay”, sau đó xuất hiện thì ra giá tiêu thụ cực thấp, khiến hàng trăm nông hộ lao đao. Sau vụ ớt đó, những tưởng nông dân tại TT-Huế không lâm cảnh điêu đứng thêm lần nào nữa vì DN “bội tín”, tuy nhiên, vụ ớt năm 2018 lại tái diễn hình ảnh vụ ớt “đắng cay” năm 2014, buộc chính quyền địa phương cùng nhiều cơ quan chức năng phải ra tay “giải cứu”…
Còn nhớ, khi vụ ớt đông xuân 2018 bắt đầu, một lãnh đạo huyện Phong Điền từng cho biết, rút kinh nghiệm những vụ trước, lần này chính quyền địa phương đã yêu cầu DN có nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn bên cạnh cam kết bao tiêu sản phẩm phải ứng trước phân bón, cây giống, chuyển giao kỹ thuật…để nông dân yên tâm “nắm đằng cán”.
Kết quả, toàn huyện Phong Điền có hơn 20ha ớt nguyên liệu trải rộng tại nhiều xã vùng cát được mở mang chuyên canh. Năm 2018, mang danh nghĩa “nắm đằng cán” sau khi được DN ứng trước một số chi phí ban đầu. Dẫu thế, bước vào kỳ thu hoạch, hàng trăm hộ nông dân tại Phong Điền lại “cay mắt” chờ bán ớt. Năm nay, DN lặp lại “bài cũ” khi ra giá tiêu thụ ớt quá bèo bọt, thu mua nhỏ giọt, trong khi, phạm vi chuyên canh cây trồng này quá rộng, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa nếu nông dân tự xoay xở bán sản phẩm trôi nổi nhỏ lẻ ra thị trường nông thôn, hoặc chế biến thô để cất trữ “chờ thời”.
Theo tìm hiểu của PV, DN đặt vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu ớt trái (giống ớt sừng bò) năm 2018 tại huyện Phong Điền là Cty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An (đóng tại Hải Phòng). DN từng thông qua phòng NN&PTNT huyện ký hợp đồng với dân về bao tiêu 100% sản phẩm ớt sừng bò trong 3 năm, có thể điều chỉnh giá theo từng năm, với mức mua 5.500 đồng/kg ớt tươi. Khi nông dân dành đất sản xuất ưu tiên cho cây ớt, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, cũng là lúc bà con gặp khó do DN “thất hứa”, thu mua nhỏ giọt thậm chí ép giá.
“Đợt đầu, Cty về thu mua ớt xanh được 5 tấn, thanh toán tiền đối với 60% sản lượng ớt cho dân. Đợt thứ 2, họ yêu cầu thu mua ớt chín, người trồng vẫn đồng ý bán 12 tấn, nhưng rồi Cty chậm trả tiền. Sau lần đó, không thấy bóng dáng ai về thu mua”, ông Trần Đình Khôi, Giám đốc HTX NN Điền Lộc (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) phản ánh.
Chính quyền “giải cứu” ớt
Từ phản ứng của dân, chính quyền huyện có công văn can thiệp, Cty Thiên An sau đó đã gửi văn bản hồi đáp với lý do đang gặp khó khăn về xuất khẩu sản phẩm ớt, nên tạm thời chưa thu mua như cam kết, hoặc chỉ thu mua với giá 2.000 đồng/kg (chưa bằng nửa giá cam kết khi xây dựng vùng nguyên liệu).
Trước nguy cơ hàng chục tấn ớt chín rục phải vứt bỏ do DN “thất hứa”, những ngày cuối tháng 5, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền đã phải ngược xuôi liên hệ với nhiều DN chế biến nông sản, thực phẩm tại Đà Nẵng, TPHCM và các tỉnh, thành phía Bắc… nhờ “giải cứu” ớt. Mới đây, một DN tại TPHCM đã đồng ý thu toàn bộ ớt “bị bỏ rơi” cho người dân của gần 10 xã thuộc huyện Phong Điền. DN này đã đưa xe container về tận chân ruộng trực tiếp thu mua, đóng gói bảo quản, với mức giá tiêu thụ dao động 4.000-4.500 đồng/kg ớt tươi.
Để giúp nông dân tiêu thụ ớt chín kịp thời vụ, UBND huyện Phong Điền còn phối hợp cơ quan quân sự địa phương điều động hơn 60 cán bộ, chiến sĩ về cơ sở cùng dân ra đồng hái ớt. Theo UBND huyện, trong tháng 5 này, lượng ớt chín tồn đọng tại nhiều xã trên địa bàn Phong Điền sẽ được “giải cứu” xong.