Trong 8 năm gần đây có đến 5 năm giá vàng tăng sau Tết
Vài năm qua, nhất là thời điểm từ khi vàng sốt giá từ năm 2010, giá vàng thường có biến động rất mạnh sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, và phổ biến là tăng. Nguyên nhân là do trong 1 tuần nghỉ lễ của Việt Nam và một số nước châu Á thì thị trường vàng thế giới vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có phần sôi động hơn khi nhà đầu tư kỳ vọng sự trở lại của các nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới sau kỳ nghỉ lễ sẽ giúp họ kiếm được món lời kha khá nào đó.
Ở trong nước, nhiều người cũng có tâm lý đầu tư vàng trước Tết để chờ qua Tết chốt lời, bênh cạnh nhu cầu sở hữu vàng của một bộ phận người dân khác gia tăng.
Thống kê của chúng tôi trong vòng 8 năm trở lại đây cho thấy giá vàng sau Tết có tới 5 năm tăng và chỉ 3 năm giảm. Cụ thể năm 2010 giá vàng tăng 300 nghìn đồng mỗi lượng so với trước Tết, năm 2011 tăng 500 nghìn đồng, năm 2012 giá tăng 1,2 triệu đồng/lượng. Năm 2016, giá vàng sau Tết Nguyên đán cũng tăng hơn 1 triệu đồng mỗi lượng và năm 2017 là tăng 500 nghìn đồng.
Còn giá vàng sau Tết 2013 và 2015 cùng giảm 400 nghìn đồng mỗi lượng khi thị trường thế giới sụt mạnh trong đợt Việt Nam nghỉ lễ. Năm 2014 giá vàng chỉ giảm 100 nghìn đồng mỗi lượng trong ngày khai Xuân. Các mức giảm này của vàng trong là nhẹ hơn nhiều so với thế giới.
Giá vàng sau Tết 2018 khó tránh khỏi đà tăng
Năm 2018, với diễn biến của thị trường những ngày trước Tết và thị trường thế giới trong vài ngày qua thì khả năng giá vàng trong ngày đầu mở cửa trở lại sẽ tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.
Trước Tết, dù vàng thế giới biến động chưa nhiều nhưng đến ngày 30 Tết, mỗi lượng vàng bán ra đã được niêm yết trên 37 triệu đồng, thậm chí tới 37,4 triệu đồng/lượng – mức cao nhất trong vòng hơn một năm bởi nhu cầu mua vàng làm quà tặng tăng, đặc biệt khi ngày lễ tình nhân 14/2 trùng dịp Tết.
Còn thế giới, những ngày thị trường Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, vàng thế giới liên tục đi lên do nhu cầu mua vào trú ẩn an toàn trước những lo ngại về lạm phát ở Mỹ gia tăng trong khi đồng USD suy yếu. Kim loại quý đã có một tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2016 khi tăng tới 3% và hiện đang ở trên 1.350 USD/ounce. Với mức giá quy đổi và đã tạm tính các khoản thuế phí liên quan thì mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương 37,2 triệu đồng/lượng.
Theo một chuyên gia theo dõi thị trường vàng, thường sau Tết giá vàng sẽ biến động tăng bởi nhiều nhà đầu tư có tâm lý găm hàng chờ giá lên để chốt lời theo lịch sử giá vàng. Thêm vào đó, cuối năm lượng kiều hối về nhiều, không ít người vẫn có tâm lý giữ vàng như một thói quen sẽ đi mua vàng để tích trữ hoặc đầu tư cũng sẽ góp phần làm cho thị trường vàng trở nên sôi động hơn.
Nhưng quan trọng hơn cả, qua theo dõi diễn biến thị trường vài năm gần đây thì thấy nhu cầu mua vàng cầu may của người Việt dịp đầu năm, nhất là trong ngày Vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) rất lớn, nên giá vàng sẽ khó có khả năng đứng ở mức thấp. 3 năm trở lại đây, dù có năm giá vàng giảm trong ngày khai Xuân nhưng sau đó lại bật tăng mạnh trong ngày Thần tài. Người người xếp hàng từ sáng sớm ở các tiệm vàng lớn và các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn nguồn hàng nhưng vẫn thiếu bán cho người mua.
Năm nay giao dịch trong ngày vía Thần Tài dự báo cũng sẽ sôi động không kém. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày kinh doanh quan trọng nhất trong năm, thể hiện qua việc đẩy giá thu gom vàng nguyên liệu lên rất cao trên thị trường, và cả giá mua bán vàng trang sức, trong đó giá bán vàng trang sức đắt hơn cả vàng miếng SJC.