Giá vàng biến động yếu, giá USD ngân hàng gần ngang “chợ đen”

Giá vàng thế giới không có diễn biến đáng kể nên giá vàng miếng trong nước tiếp tục biến động chậm trên ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do không thay đổi so với cuối tuần và chỉ chênh lệch ít so với giá USD ngân hàng ở chiều bán ra.

Lúc hơn 10h trưa nay (27/11), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 36,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,54 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 10.000 đồng/lượng.

Vàng nhẫn tròn trơn các thương hiệu như nhẫn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quỹ, nhẫn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá dao động từ 35,5-35,53 triệu đồng/lượng (mua vào) đến 35,9-35,98 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,41 triệu đồng/lượng và 36,61 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Càng về cuối năm 2017, giá vàng miếng biến động càng chậm. Cả tháng nay, giá vàng miếng SJC bán ra hầu như không ra khỏi vùng 36,5-36,6 triệu đồng/lượng.

Mấy năm trước, cuối năm thường là khoảng thời gian giá vàng biến động linh hoạt do nhu cầu giao dịch vàng của người dân tăng. Tuy nhiên, năm nay, giá vàng đã giữ xu hướng trầm lắng trong hầu hết thời gian của năm, một phần do nhu cầu thấp, phần khác do giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VND đều tương đối ổn định.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thị trường thế giới nhu cầu vàng cũng đang trong giai đoạn trầm lắng. Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất nhì thế giới, đã giảm 24% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 146 tấn – mức thấp nhất 8 năm. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ việc Ấn Độ đánh thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với vàng và thực thi luật chống rửa tiền.

Tại nhiều thị trường khác như Mỹ và châu Âu, vàng trở thành một kênh đầu tư khá “lép vế” trong bối cảnh thị trường chứng khoán giữ đà tăng điểm và sự xuất hiện của một kênh đầu tư mới khá hấp dẫn là tiền ảo Bitcoin.

Gần đây, giá vàng thế giới giằng co dưới ngưỡng 1.300 USD/oz do thiếu lực hỗ trợ để tái lập mốc giá này. Hiện tại, yếu tố tác động nhiều nhất đến giá vàng thế giới vẫn là diễn biến tỷ giá đồng USD và triển vọng lãi suất đồng tiền này.

Xu hướng chính gần đây của đồng USD tăng giá do kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất vào tháng tới. Bởi vậy, giá vàng chịu áp lực giảm.

Hôm thứ Sáu tuần trước, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, nhưng giá vàng vẫn không tăng được nhiều.

Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.289,7 USD/oz, tăng 0,8 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Phiên thứ Sáu tại Mỹ, giá vàng giảm 2,7 USD/oz, chốt ở 1.288,9 USD/oz.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 22.755 đồng (mua vào) và 22.775 đồng (bán ra), không thay đổi so với cuối tuần nhưng tăng 10 đồng so với hôm thứ Sáu.

So với giá USD ngân hàng, giá USD tự do đang cao hơn khoảng 15 đồng. Mấy tuần trước, có lúc giá USD tự do chênh giá USD ngân hàng 70-80 đồng.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.690 đồng (mua vào) và 22.760 đồng (bán ra), không thay đổi so với hôm thứ Sáu.

Trên thị trường thế giới, đồng Euro mạnh lên khiến chỉ số Dollar Index đứng quanh mức 92,805 điểm trong phiên sáng nay tại châu Á, cách không xa mức đáy của 2 tháng là 92,675 điểm thiết lập vào hôm thứ Sáu tại Mỹ.

Giá vàng trong nước lặng sóng

Bài viết mới