Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, những ngày này, đồng bằng sông Cửu Long lao xao vì giá tôm thương phẩm giảm giá hàng ngày.
Giá tôm chân trắng tại đầm quý I năm nay giảm 15% so quý IV/2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 – 70 con/kg tháng 4 giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 – 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 – 110 con/kg giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg xuống 85.000 – 90.000 đồng/kg
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm chân trắng và tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần và hiện ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2018. Tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.
Sở Công thương Cà Mau cho biết, đầu tháng 5, giá tôm chân trắng tiếp tục giảm xuống mức thấp. Cụ thể, tôm loại 100 con/kg chỉ còn giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15% so tháng 4; còn tôm loại 70 – 90 con/kg giảm nhiều hơn nữa.
Có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc giá tôm giảm tuy nhiên theo đánh giá đây chỉ là đợt giảm giá mang tính thời điểm và theo xu hướng giảm chung của thế giới.
Giá tôm giảm một phần còn do nguồn cung trên thị trường khá cao. Sản lượng tôm nước lợ cả nước 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 119,8 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56,9 nghìn tấn, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 62,9 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước 46,7 đạt nghìn tấn, tăng 1%, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 51,5 nghìn tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước tình hình này, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng (MTSA) đã động viên người nuôi bình tĩnh thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây được cho là giải pháp dung hòa và đúng đắn tại thời điểm này bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và duy trì sinh kế. Song song đó MTSA còn có những kiến nghị về giải pháp tới Chính phủ và ngân hàng để người nuôi được tháo gỡ phần nào về vốn cho phát triển nuôi tôm đúng hường đã đề ra của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Các doanh nghiệp (DN) cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước XK tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều DN Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, DN và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.
Vasep cũng khuyến cáo, khi sản lượng của các nước đồng loạt tăng, nhà nhập khẩu (NK) muốn ép giá và chờ giá giảm. Để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, người nuôi không nên bỏ ao, hãy bình tĩnh thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.
Cũng theo Vasep, theo nhiều chuyên gia ngành tôm trên thế giới, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ sẽ giảm thả nuôi, nguồn cung dự báo giảm. Sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường NK, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. NK tôm của các thị trường NK chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay.
Tuy nhiên để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).