Giá than đá tăng cao kéo dài bất thường do nhu cầu mạnh từ châu Á

Giá than nhiệt giao ngay tại cảng Newcastle (Australia) – tham chiếu cho thị trường toàn khu vực – ở mức 108,75 USD/tấn vào ngày 19/1, không xa mấy so với mức cao nhất trong năm là 109,50 USD/tấn đạt được hôm 17/1.

Từ cuối năm ngoái tới nay, giá than nhiệt châu Á đã tăng 5,8%, và tính từ ngày 23/11 tới nay giá tăng mạnh 18%.

Sự sôi động ở các cảng biển Trung Quốc – nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới – cho thấy nhu cầu không hề giảm sút. Không chỉ nhu cầu than của Trung Quốc tăng trong tháng 1, dường như nhu cầu ở các nước nhập khẩu hàng đầu châu Á khác cũng gia tăng.

Ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 20,9 triệu tấn than, gồm cả than nhiệt và than cốc, trong tháng 1, tăng so với 17,2 triệu tấn của tháng 12/2017 và 19,1 triệu tấn của tháng 11/2017.

Con số ước tính này mới chỉ dựa vào những tàu đã bốc xếp xong, hoặc đang chờ để bốc xếp lên cảng, hoặc đang trên đường đi và dự kiến sẽ cập cảng trước khi kết thúc tháng.

Nếu con số ước tính này là chính xác thì đây sẽ là tháng nhập khẩu than vào Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Nhật Bản, nước nhập khẩu than lớn thứ 3 châu Á, cũng đang rất tích cực mua mặt hàng này, với khối lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trong tháng 1, so với 16,3 triệu tấn của tháng 12 và 15,2 triệu tấn của tháng 11 năm ngoái.

Nhập khẩu vào Hàn Quốc – thị trường lớn thứ 4 – chắc chắn cũng sẽ cao trong tháng 1, với khoảng 11,8 triệu tấn, cao hơn mức 9,7 triệu tấn của tháng 11/2017.

Còn nhập khẩu vào Ấn Độ dự kiến đạt 16,1 triệu tấn, mặc dù giảm nhẹ so với 18 triệu tấn của tháng 12/2017 khi nhập khẩu nhiều thứ 2 châu Á, nhưng không thấp hơn mấy so với mức cao nhất kể từ tháng 6/2016 đạt được vào tháng cuối năm 2017.

Về phía nguồn cung, các số liệu theo dõi tàu biển cho thấy xuất khẩu của nhà cung cấp số 1 là Australia trong tháng 1/2018 sẽ đạt mức cao kỷ lục, với khoảng 38,5 triệu tấn than nhiệt và than cốc, cao nhất kể từ tháng 1/2015. Như vậy, xuất khẩu trong tháng này tăng mạnh so với 31,3 triệu tấn của tháng 12/2017 và 28,1 triệu tấn của tháng 11.

Xuất khẩu của Indonesia – nước cung cấp lớn thứ 2 – cũng tăng lên 27,7 triệu tấn, từ mức 26,1 triệu tấn của tháng 12 và 27,8 triệu tấn của tháng 11.

Bức tranh chung của thị trường than cho thấy sự nổi bật của thị trường than châu Á, không chỉ trong tháng này mà từ 2 tháng cuối năm ngoái.

Năm 2016 khi giá than tăng năm đầu tiên sau 5 năm suy giảm, các hợp đồng giao ngay tại Newcastle đã lên mức cao nhất vào tháng 11, sau đó giảm khoảng 38% xuống mức thấp vào tháng 5/2017.

Mặc dù những động lực thúc đẩy thị trường hiện tại không giống như năm ngoái, nhưng vẫn logic ở điểm giá than nhiệt sẽ giảm sau giai đoạn lạnh nhất của mùa đông.

Nhưng lần này thì khác, giá chưa giảm, và đồ thị phân tích cho thấy giá sẽ duy trì ở mức trên 100 USD/tấn cho tới tận tháng 6.

Trên thực tế có nhiều yếu tố có thể kéo giá than giảm trở lại. Đó là cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc có thể dẫn tới việc hạn chế sử dụng than, và nhu cầu nhập khẩu than trong nước có thể cũng sẽ suy giảm khi sản lượng hồi phục (sản lượng than Trung Quốc năm 2017 đã tăng 3,2% so với năm trước lên 3,45 tỷ tấn trong năm 2017). Ấn Độ cũng duy trì chính sách giảm nhập khẩu than xuống thậm chí không nhập nữa đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Nhật Bản đã từng tăng cường sử dụng than khi ngừng các nhà máy điện nguyên tử, nhưng hiện đang đưa những nhà máy này hoạt động trở lại bởi nhiên liệu than đá gây nhiều ô nhiễm.

Như vậy, mặc dù than đá đang có khởi đầu năm 2018 thuận lợi một cách khác thường, với nhu cầu tăng mạnh, nhưng xu hướng này liệu có duy trì hay không sau khi kết thúc tháng Giêng bội thu? Câu hỏi này vẫn phải chờ xem lời giải đáp.

Than đá và quặng khoáng sản dẫn đầu mức tăng trưởng xuất khẩu

Bài viết mới