Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định thị trường nhà ở toàn cầu vẫn đang thoái trào sau nhiều năm tăng trưởng ổn định.
Theo số liệu tuaafn qua của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá nhà sụt giảm trên diện rộng tại 31 trong số 46 nền kinh tế thuộc tổ chức này so với quý trước.
Điều này cho thấy thị trường nhà đất đang có những điều chỉnh lớn do việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát. Lãi suất điều hành đã tăng trung bình 4 điểm phần trăm trên khắp các nền kinh tế lớn, về mức phổ biến trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất mục tiêu lên khoảng 4,5–4,75% từ mức gần bằng 0 của một năm trước, tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong hai thập kỷ. Điều này khiến lãi suất cố định cho các khoản vay thế chấp trong 30 năm tăng mạnh, mức cao nhất trong hai thập kỷ là 7,1% vào cuối năm 2022.
Lãi suất đóng một vai trò quan trọng trong việc định giá nhà, bên cạnh mức thu nhập và tăng trưởng dân số ở phía cầu cùng chi phí xây dựng và các quy định của chính phủ ở phía cung. Theo đó, cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng lãi suất thực tế sẽ làm chậm tốc độ tăng giá nhà khoảng 2 điểm phần trăm.
Trước chu kỳ thắt chặt gần đây, lãi suất đã có xu hướng giảm. Lãi suất giảm một cách hợp lý dẫn đến sự gia tăng nhu cầu nhà ở khi người dân phải trả chi phí đi vay ít hơn cho việc mua nhà hoặc xây dựng. Còn hiện tại, câu chuyện đã đảo ngược. Mỗi điểm phần trăm tăng trong lãi suất thế chấp đều làm tăng khoản thanh toán lãi hàng tháng của người mua nhà tại Mỹ thêm 100 USD. Tác động có thể nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia mà số lượng khoản vay có lãi suất thả nổi chiếm ưu thế.
Theo IMF, nếu các ngân hàng trung ương làm chậm hoặc tạm dừng tăng lãi suất, thì giá nhà ở sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, câu hỏi giá nhà đất tiếp tục giảm trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc liệu các đợt tăng lãi suất của họ có làm giảm áp lực lạm phát hay không.
Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF dự báo, lạm phát năm nay sẽ thấp hơn so với năm 2022 đối với khoảng 85% các quốc gia trên thế giới. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ gần 9% năm ngoái xuống còn khoảng 6,5% trong năm nay và giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, do tác động của việc tăng lãi suất đã làm giảm bớt sự mất cân đối giữa cung và cầu.