Gia đình anh Trịnh Văn Nhu, ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè nuôi hơn 20 con lợn nái và gần 200 con lợn thịt. Đàn lợn thịt của gia đình anh Nhu hiện có 50 con đến thời điểm xuất chuồng. Thương lái đã đặt mua với giá 5 triệu đồng/tạ. Với giá bán này, anh thu lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/tạ.
Anh Nhu chia sẻ, những năm trước, gia đình anh thường xuyên duy trì đàn lợn thịt 400 con và 120 con lợn nái, cho lợi nhuận bình quân khoảng 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, giá lợn hơi luôn ở mức thấp khiến gia đình anh lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Từ cuối năm 2017 đến nay, anh chỉ nuôi cầm chừng nên khi giá lợn tăng, anh không còn nhiều lợn để bán. Sau khoảng thời gian thua lỗ kéo dài do giá lợn thương phẩm luôn thấp hơn giá thành, hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã “treo chuồng”, chỉ có số ít hộ còn cầm cự nên khi giá lợn tăng thì nhiều hộ ở đây đã cạn nguồn xuất bán.
Tuy lợn hơi đã tăng giá khoảng 2 tháng nay nhưng hiện anh Nhu vẫn chưa có ý định tăng đàn trở lại, do lo ngại thị trường tiêu thụ bấp bênh. “Nếu thị trường ổn định trong vài tháng tới, khả năng tháng 11 tôi sẽ tăng đàn”, anh Nhu cho biết.
Cùng suy nghĩ trên, ông Huỳnh Văn Hoàng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, một trong những hộ nuôi lợn lâu năm cũng lo lắng không dám tái đàn khi giá lợn hơi tăng trở lại. Ông Hoàng cho rằng thị trường tiêu thụ lợn hiện nay khá thất thường, không đảm bảo đầu ra sau 4 tháng nuôi.
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân giá lợn tăng do thời gian qua Trung ương và các địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Cùng với việc hỗ trợ tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, ngành chăn nuôi cũng vận động người dân giảm dần tổng đàn…
Giá lợn tăng là cơ hội để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người dân thận trọng khi tái đàn, tăng đàn ồ ạt để tránh rủi ro khi giá lợn xuống thấp trở lại. Trước mắt, các hộ chăn nuôi cần theo dõi và cập nhật thông tin thị trường để sản xuất phù hợp.
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ khoa học kỹ thuật, giúp giảm giá thành; chăn nuôi theo mô hình liên kết giữa sản xuất- tiêu thụ, lựa chọn giống lợn tốt để tăng năng suất; chăn nuôi theo VietGAP, an toàn sinh học, dịch bệnh… nhằm tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Tổng đàn lợn ở tỉnh Trà Vinh hiện chỉ còn khoảng 260.000 con; giảm hơn 100.000 con so cùng kì năm trước.
Xem link bài gốc tại đây.