Kết thúc phiên giao dịch khuya hôm qua 31/5, trên sàn ICE Europe – London , giá cà phê Robusta đảo chiều tăng vọt sau ba phiên liên tiếp sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 20 USD, tức tăng 1,15%, lên ở mức 1.752 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 21 USD, tức tăng 1,12%, lên ở mức 1.744 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ở các kỳ hạn gần được thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 3,4 cent, tức tăng 2,83%, lên ở mức 123,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 3,4 cent, tức tăng 2,78%, lên ở mức 125,9 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình. Giá đạt mức cao 4 tuần.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400 – 500 đồng, lên dao động trong khung 35,5 – 36,3 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.624 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 110 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Thị trường cà phê thế giới vẫn giữ nguyên sức ép từ sản lượng vụ mùa năm nay đạt mức “kỷ lục” của Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Bên cạnh là dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 có thể tăng thêm hơn 11,27 triệu bao so với niên vụ trước của mạng lưới nông nghiệp toàn cầu thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra góp phần làm sức ép gia tăng.
Dự báo của USDA về sản lượng cà phê vụ 2018/19
Tuy nhiên hãng Reuters đưa tin từ văn phòng Tổng thống Brazil cho biết, hãng Petrobras quyết định giảm giá nhiên liệu 10% nhằm óp phần hỗ trợ Chính phủ trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế do tài xế biểu tình đưa xe tải phong tỏa các tuyến đường cao tốc huyết mạch trên khắp các bang làm cho các nhà ga, san bay thiếu hụt nhiên liệu, các siêu thị khô cạn hàng hóa thực phẩm trong 10 ngày qua, gây cho kinh tế Brazil thiệt hại ước lên tới 10 tỷ Reais (khoảng 2,7 tỷ USD). Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafe) cho biết việc phong tỏa cao tốc đã làm xuất khẩu cà phê giảm khoảng 900.000 bao với dự kiến.
Bên cạnh mối lo việc phong tỏa cao tốc của tài xế xe tải chưa hết, ngày hôm qua thị trường Brazil còn nghỉ ngày lễ truyền thống của đạo Thiên Chúa (Corpus Christi – Mình Máu Thánh Chúa). Sự thiếu vắng nhà sản xuất hàng đầu và mối lo nguồn cung bị ngăn chặn đã làm giới đầu cơ trên sàn cà phê kỳ hạn vội vàng ra tay thanh lý chăng?
Báo cáo triển vọng kinh tế Mỹ khả quan, trong khi khối Eurozone vẫn chưa xong khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ lại còn vướng bận thêm nợ nần của Italia, đã đẩy USD gia tăng trong rổ tiền tệ mạnh cũng góp phần làm chùng tay đầu cơ bán ròng trên các sàn hàng hóa thế giới, nhất là mặt hàng có lượng giao dịch rất cao và đầy sôi động như dầu thô, cà phê.
Báo cáo Cam kết của Thương nhân (CFTC) từ thị trường Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 22/5, đầu cơ ngắn hạn đã giảm vị thế bán ròng bớt 6,47% xuống đăng ký ở 46.710 lô, tương đương 13.242.078 bao và dự kiến còn giảm mạnh hơn nữa sau hai phiên giao dịch với khối lượng “khủng” liên tiếp vừa qua.
Báo cáo Cam kết của Thương nhân (CFTC) từ thị trường Robusta ở London cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 22/5, đầu cơ ngắn hạn đã giảm vị thế bán ròng bớt 23,46% xuống đăng ký ở 10.726 lô, tương đương 1.787.666 bao và nhiều khả năng chỉ giảm nhẹ sau những ngày thương mại có phần tích cực hơn vừa qua.
Thu hoạch cà phê ở Lampung, vùng phía nam đảo Sumatra của Indonesia đã hoàn tất nhưng chưa có báo cáo nào được đưa ra. Theo các thương nhân quốc tế, cà phê vụ mới ở Lampung ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước nên thường có giá rất cạnh tranh. Trong khi nhu cầu của ngành công nghiệp cà phê toàn cầu vẫn đang hướng về Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn.
Theo báo cáo của Ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 5/2018 ước đạt 135 nghìn tấn với giá trị đạt 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 820 nghìn tấn và 1,6 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng nhưng giảm tăng 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1.936 USD/tấn, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 13,3% và 11,1%.