Giá cà phê trong nước lao dốc

Thị trường cà phê robusta thế giới đột ngột giảm mạnh đẩy thị trường cà phê trong nước tuột dốc. Cụ thể, vào lúc 9 giờ sáng 26/6/2018, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm tới 1.000 đồng xuống mức 34.200 – 35.200 đồng/kg. Tại cảng Tp.HCM, cà phê robusta mất tới 46 USD chốt tại 1.538 USD/tấn (FOB).

Cụ thể, giá thấp nhất ở mức 34.200 đồng/kg tại Lâm Đồng, và cao nhất ở mức 35.200 đồng/kg tại Gia Lai. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng Tp.HCM giao dịch ở mức 1.538 USD/tấn.

Giá cà phê khó khôi phục trong quý 3/2018

Theo nhận định của chuyên gia, nguyên nhân khiến giá cà phê trong nước lao dốc có thể do một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ đã vội vàng thanh lý hàng để chặn lỗ trong bối cảnh thị trường cà phê vẫn còn tiêu cực như hiện nay. Báo cáo cam kết mới nhất của thương nhân từ thị trường cà phê robusta London đã chứng kiến khu vực phi thương mại đầu cơ của thị trường này tăng vị thế bán ròng ngắn hạn của họ lên 27,93%.

Ngoài ra, các nguồn tin về cung – cầu cà phê cũng gây áp lực lên tâm lý thị trường. Nhu cầu tiêu thụ giảm do người dân lo lắng cà phê có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe kèm theo sản lượng tăng khiến giá mặt hàng này chịu áp lực từ đầu năm đến nay.

Hiện thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu giảm thấp. Hầu hết các dự báo thị trường đều cho rằng giá cà phê khó khôi phục trong quý 3/2018. Ở thị trường thế giới, nước sản xuất cà phê lớn nhất là Brazil năm nay được mùa, nên xuất khẩu cà phê của quốc gia này và một số nước như Colombia, Uganda vẫn tiếp tục tăng.

Thị trường cà phê thế giới 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá cà phê Robusta và Arabica giao kỳ hạn giảm so với 10 ngày đầu tháng 6 và so với cùng kỳ tháng 5/2018.

Cung vượt cầu đã kéo giá xuống mức thấp

Theo báo cáo công bố tháng 6/2018 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 dự báo đạt mức cao kỷ lục 171,2 triệu bao (loại 60kg).

Trong đó, sản lượng cà phê của Brazil dự báo đạt 60,2 triệu bao và Việt Nam dự báo đạt 29,9 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu giảm sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và những thống kê cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục tăng, cũng như dự báo sản lượng cà phê tăng.

USDA dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 600.000 bao, lên mức cao kỷ lục 29,9 triệu bao nhờ thời tiết mát mẻ hơn và mưa trái mùa hỗ trợ sinh trưởng cây cà phê ngay trước giai đoạn ra hoa kết trái. Diện tích cà phê của Việt Nam năm 2018 dự báo tăng nhẹ so với năm 2017, với gần 95% diện tích vẫn dành cho cà phê Robusta.

Ngoài dự báo sản lượng cà phê toàn cầu tăng, USDA cũng đưa dự báo tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2018/19 cao kỷ lục với 163,2 triệu bao. Cụ thể, nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng 1 triệu bao lên 48 triệu bao và chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu cà phê thế giới. Tồn kho cà phê cuối kỳ tại EU dự báo tăng 800.000 bao lên 11,9 triệu bao. Dự báo, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ tăng 2,4 triệu bao, lên 27 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối kỳ tại Mỹ dự báo tăng 600.000 bao lên 7,2 triệu bao.

Còn theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017/18 ước đạt 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến giảm 4,6% xuống 97,43 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê Robusta dự báo tăng 12,1% lên 62,24 triệu bao.

Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2018/19 toàn cầu được dự đoán tăng sau 3 năm suy giảm liên tiếp. Thông thường, vụ cà phê của Brazil bắt đầu từ tháng 7 và Việt Nam từ tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay thu hoạch Brazil đến trễ nên hàng hóa ra thị trường chậm hơn nông lịch dự kiến.

Tại thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm nay khối lượng cà phê xuất khẩu tăng nhưng giá trị mang về không tăng tương xứng do giá xuất khẩu giảm.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, ước khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 6/2018 đạt 164 ngàn tấn, với giá trị khoảng 314 triệu USD, tăng 37,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ 2017.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ước xuất khẩu cà phê đạt 1,04 triệu tấn, trị giá 2,01 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 5,2% về trị giá so với cùng kỳ 2017. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong 6 tháng đầu tháng năm nay khoảng 1.931 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ 2017.

Cường quốc cà phê vẫn… đuối!

Bài viết mới