Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5, trên sàn ICE Europe – London , giá cà phê Robusta tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 39 USD, xuống 1.751 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 32 USD, còn 1.741 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo thu hẹp thêm khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 1,5 cent, xuống 119,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 1,5 cent còn 121,65 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên chỉnh giảm 700 – 800 đồng, xuống dao động trong khung 35.400 – 36.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.601 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 135 – 140 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Thông tin nổi bật phiên vừa qua đã tác động lên hầu hết các thị trường hàng hóa toàn cầu là biên bản họp của cơ quan chính sách tiền tệ quốc gia Mỹ (The Federal Open Market Committee –FOMC) được công bố với nhận định khả năng sẽ tăng lãi suất USD tại kỳ họp Fed tháng 6 và thậm chí còn chỉ ra tiềm năng có thể thay đổi nhiều hơn để giảm bớt áp lực trong thị trường tiền tệ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện khi đồng Lira lao dốc kéo theo gần như cả thị trường chứng khoán toàn cầu, vô hình chung đã đẩy USD tăng mạnh trong rổ tiền tệ khiến cho hàng hóa được trao đổi bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ, trông đó có cà phê.
Tuy nhiên, các thị trường cà phê suy giảm trở lại còn do thông tin thời tiết lạnh ở các vùng trồng cà phê tại Brazil không còn nữa. Theo dự báo hôm qua của Somar, hãng dự báo thời tiết ở Sao Paulo – Brazil cho biết trong thời gian ít nhất 2 tuần tới sẽ không có dấu hiệu đe dọa của không khí lạnh bất kỳ. Chính điều này kết hợp với đồng Reais Brazil đang tăng mạnh trở lại đã thúc đẩy đầu cơ và quỹ trên các thị trường cà phê kỳ hạn quay trở lại bán ròng sau khi đã thanh lý bớt trong phiên đầu tuần do lo ngại thời tiết. Vì vậy, việc kinh doanh cà phê thường được giới thương nhân quốc tế cho là “kinh doanh thời tiết”.
Không chỉ chịu sức ép vụ mùa bắt đầu thu hoạch với dự báo sản lượng“kỷ lục” hơn 60 triệu bao của Brazil, thị trường cà phê còn vừa đón nhận các thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khi mạng lưới nông nghiệp toàn cầu của họ đưa ra dự báo mới nhất về sản lượng cà phê niên vụ 2017/2018 và niên vụ 2018/2019 của các quốc gia sản xuất cà phê.
Đáng chú ý là sản lượng Colombia niên vụ hiện tại được điều chỉnh giảm bớt 3,4% xuống còn 14,2 triệu bao, nhưng niên vụ 2018/2019 sẽ tăng 2,11% lên mức 14,5 triệu bao. Sản lượng Việt Nam vụ sắp tới vẫn không đổi ở 28,2 triệu bao, trong khi Indonesia giảm nhẹ 2,75% xuống ở 10,9 triệu bao trong niên vụ hiện tại nhưng lại tăng lên 11,1 triệu bao trong niên vụ 2018/2019, bao gồm cà phê Arabica tăng 16,7%, lên 1,4 triệu bao và cà phê Robusta tăng 3,19%, lên 9,7 triệu bao.
Tuy sự gia tăng sản lượng của nhiều nước sản xuất có khả năng gây ra hiện tượng dư thừa cà phê trong ngắn hạn, so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu chỉ tăng xấp xỉ 2% mỗi năm theo ước tính của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Nhưng với các thị trường tiêu thụ khu vực châu Á đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là dự báo thị trường “khổng lồ” Trung Quốc đang gia tăng tiêu thụ cà phê ở mức 2 con số trong vài năm tới thì tiềm năng phát triển của ngành cà phê vẫn còn rất rộng cửa.
Dự kiến các thị trường cà phê cần hiệu chỉnh thêm trước khi xác lập xu hướng mới trong ngắn hạn.