Thông tin trên được đưa ra trong bản tin thời sự 19h tối nay (26/12). Buổi sáng cùng ngày, Bộ Chính trị đã công bố Quyết định 648 (25/12) cho ông Nguyễn Hoàng Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020 để phân công nhiệm vụ mới.
Ông Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam được phân công thay cho ông Nguyễn Hoàng Anh.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết vẫn đang đợi quyết định chính thức từ Thủ tướng, “Tất cả phải theo đúng quy trình”, ông nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963, quê Hải Phòng. Ông Hoàng Anh có trình độ Thạc sỹ Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị.
Từ năm 2002, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ban chấp hành Thành ủy thành phố Hải Phòng khóa XII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa XI, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Hải Phòng.
Từ 2003 – 2005, ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ban chấp hành Thành ủy thành phố Hải Phòng khóa XII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa XI.
Từ 2006 – 2007, ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên chuyên trách Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng khóa XI. Từ 2007 – 2010: Đại biểu Quốc hội khóa XII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế. Từ 2010 – 2011, ông là Đại biểu Quốc hội khóa XII, Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Ngày 24/3/2015, ông chính thức được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiệm kì 2010-2015.
Siêu Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước là mô hình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong Dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.
Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.
Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.
Tuy nhiên, mô hình này cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia kinh tế về tính khả thi. Đến nay, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp vẫn chưa được thành lập.